|
Vụ việc gây nhiều tranh cãi, bởi quyết định công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ viết tay không qua Công chứng, Chứng thực trong khi đất chuyển nhượng đã bị cơ quan thi hành án kê biên để thi hành án, gây không ít bức xúc trong dư luận. Cơ quan thi hành án và người được thi hành án đã có đơn kháng cáo bản án hi hữu này.
Nội dung đơn kháng cáo
Trong đơn kháng cáo về Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2021/ DS - ST của Toà án thành phố Thái Nguyên của bà Triệu Thị Gái và đơn của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên, nêu rõ:
Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã có hiệu lực pháp luật. Trong đó có khoản ông Trần Anh Tuấn và vợ là bà Đặng Thị Thuỷ trú tại tổ 7 phường Tân Thịnh thành phố Thái Nguyên phải trả cho bà Triệu Thị Gái ở xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên số tiền gần 7,6 tỷ đồng.
Ngày 11/6/2019 Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên ra quyết định thi hành án chủ động số 2020/QĐ-CCTHADS cho thi hành khoản: Án phí: Ông Tuấn, bà Thuỷ phải nộp vào ngân sách nhà nước 115.292.150 đồng.
Quá trình tổ chức thi hành án Chấp hành viên đã tổ chức xác minh tài sản của ông Tuấn, bà Thuỷ đang thế chấp tại Ngân hàng BIDV chi nhánh tỉnh Thái Nguyên là 2 thửa đất số 881 tờ bản đồ số 10 diện tích 112,5 mét vuông và thửa đất số 758 tờ bản đồ số 10 diện tích 80 mét vuông đều là đất ở đô thị tại phường Quang vinh thành phố Thái Nguyên.
Xác minh tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố Thái Nguyên cho thấy 2 thửa đất này đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ mang tên ông Tuấn, bà Thuỷ nguồn gốc đất đai do nhận chuyển nhượng.
Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên đã ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng đối với 2 thửa đất nêu trên. Thông báo bằng văn bản đã được gửi đến các cơ quan: Văn phòng đăng ký đất đai của tỉnh và thành phố Thái Nguyên, UBND phường Quang Vinh và một số văn phòng Công Chứng trên địa bàn và giao quyết định này đến tận tay ông Tuấn và bà Thuỷ không hề có khiếu nại.
Ngày 22/12/2020 Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản với 2 thửa đất nêu trên để đảm bảo thi hành án, lập biên bản giao trực tiếp cho ông Tuấn và bà Thuỷ văn bản này.
Như vậy, cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên đã tiến hành tổ chức thi hành án rất đầy đủ, đảm bảo trình tự theo đúng quy định của pháp luật. Đến thời điểm này không có bất cứ một văn bản pháp lý nào khác thể hiện 2 thửa đất trên là tài sản của người khác ngoài vợ chồng ông Tuấn bà Thuỷ sử dụng.
Chứng cứ của Tòa án có thuyết phục?
Gặp gỡ trao đổi với những người thực thi việc thi hành bản án vay mượn tiền để dẫn đến các bản án của 4 cấp Toà án xét xử cũng đủ thấy những khó khăn họ gặp phải khi đối diện với những người có ý đồ “Vay dễ, trả khó” như vợ chồng ông Tuấn bà Thuỷ trong vụ án này.
Trở lại với đơn kháng cáo bản án sơ thẩm số 35/2021/DS-ST của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên về việc Bản án căn cứ giấy biên nhận viết tay, nhận định và áp dụng pháp luật tuyên xử công nhận hợp đồng chuyển nhượng là không đúng với qui định của pháp luật. Bởi hợp đồng chuyển nhượng viết tay chưa được công chứng, chứng thực, không có giá trị pháp lý.
Theo qui định tại điểm a, khoản 3, Điều 167 Luật đất đai 2013 ghi rõ: “…Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực…”, vì vậy, không thể coi đây là hợp đồng chuyển nhượng hợp pháp!
Hơn nữa, mảnh giấy viết tay và biên bản họp gia đình của ông Tuấn, bà Thuỷ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bố mẹ đẻ mình, những người chứng kiến lại là những người ruột thịt. Không thể coi đây là những chứng cứ khách quan để công nhận hợp đồng chuyển nhượng đúng pháp luật?
Ở trường hợp này có thể thấy rằng: Giấy chuyển nhượng viết tay giữa những người ruột thịt trong gia đình là tự tạo dựng nhằm tẩu tán tài sản đã kê biên của cơ quan thi hành án để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Nếu thật sự khách quan, toà án không thể bỏ qua tình tiết quan trọng này. Yêu cầu cơ quan nghiệp vụ giám định văn bản viết tay, xác định đúng sai trong quá trình giải quyết vụ án.
Thật “tội nghiệp” cho 2 thửa đất 758 và 881 đã bị 2 lần kê biên bởi thi hành án. Lần một là vào năm 2012 để bán đấu giá trả nợ Ngân hàng. Năm 2013 ông Tuấn bà Thuỷ mới mua lại.
Năm 2019, lần thứ hai 2 thửa đất này lại bị cưỡng chế kê biên cũng với mục đích trả nợ tiền vay theo bản án của toà. Để giữ lại 2 thửa đất mang rất “nhiều kỉ niệm” này, chủ nhân của nó đã phải đầu tư rất nhiều trí tuệ và những thứ khác nữa mới đạt được mục đích đó?
Nhưng với việc hợp thức hồ sơ chuyển nhượng khi tài sản đã bị kê biên chỉ bằng mảnh giấy viết tay chưa qua Công chứng, Chứng thực, mặc dù nó có được che đậy bằng những người thân ruột thịt và Toà sơ thẩm công nhận đi chăng nữa thì sự thật vẫn là sự thật, khi còn nhiều cấp toà án khách quan xét xử. Dư luận quan tâm tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật./.
Bài liên quan: https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/thai-nguyen-ban-an-co-hieu-luc-phap-luat-2-nam-chua-thi-hanh-duoc-115849.html