![]() |
Thửa đất tranh chấp tại xóm Ấm, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. |
Vừa qua, Tầm nhìn điện tử đã đăng bài “Thái Nguyên: Xử tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất “bỏ quên” người thứ ba ngay tình”. Không những “bỏ quên”, không đưa người thứ ba ngay tình là bà Lê Thị Chinh (trú huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) vào tham gia tố tụng, các bản án còn công nhận chứng cứ không đảm báo đúng quy định pháp luật để buộc gia đình nguyên đơn là ông Đồng Quang Lập (mất năm 2021) và bà Lê Thị Hằng (trú xóm Ấm, xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên - nay là thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) phải giao đất cho bị đơn là vợ chồng ông Long - bà Chi.
Theo lời khai, vợ chồng ông Đồng Quang Lập và bà Lê Thị Hằng cho ông Long mượn thửa đất để làm quán sửa xe. Ngày 16/12/2001 ông Lập và bà Hằng đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng cho vợ chồng ông bà Long bà Chi với giá 19 triệu đồng. Hai bên và viết tay “Giấy biên nhận mua bán đất thổ cư” nhưng không ghi thửa đất nào, diện tích bao nhiêu… Ông Long bà Chi đã thanh toán 2 lần được 11,5 triệu đồng và cam kết trong giấy viết tay thanh toán phần còn lại vào ngày 30/12/2002 và khẳng định “nếu sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm theo yêu cầu của ông Lập”. Quá thời hạn, ông Long – bà Chi không thanh toán đúng hẹn nên ông Lập không dồng ý tiếp tục mua bán và không công chứng chuyển nhượng cho vợ chồng ông Long bà Chi.
Theo đơn ngày 14/6/2004 ông Long yêu cầu UBND xã Hồng Tiến giải quyết, ngoài biên nhận viết tay, chính quyền xã Hồng Tiến đã tiến hành đo đạc và làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng ông Lập – bà Hằng với vợ chồng ông Long – bà Chi. Thủ tục này đã hoàn thành cấp xã. Tuy nhiên, UBND xã Hồng Tiến cho biết, hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ đã thị thực và giao cho ông Lập đi làm, không có hồ sơ lưu trữ nên không có căn cứ giải quyết.
Các buổi hòa giải tại xã Hồng Tiến từ năm 2004, ông Lập đều thể hiện quan điểm không tiếp tục chuyển nhượng đất do ông Long bà Chi đã cam kết trong “Giấy biên nhận mua bán đất thổ cư” là “chịu trách nhiệm nếu không thanh toán tiền còn lại đúng ngày 30/10/2002”. Đến năm 2017, ông Lập khởi kiện để chấm dứt việc chuyển nhượng chưa qua chứng thực này, đề nghị Tòa án không công nhận “Giấy biên nhận mua bán đất thổ cư” ngày 16/12/2001, yêu cầu vợ chồng ông Long bà Chi tháo dỡ quán sửa xe, trả đất.
Ông Lập - bà Hằng khẳng định đã nhận 11,5 triệu đồng của ông Long – bà Chi. Nhưng do ông Long - bà Chi mượn của vợ chồng bà 10 triệu đồng với lãi suất 1%/tháng nên khi dừng việc chuyển nhượng, vợ chồng ông bà không trả tất cả 11,5 triệu đồng, chỉ giữ số tiền 1,5 triệu đồng để tính lãi và vì ông Long chưa trả đất.
Còn ông Long cho rằng, vợ chồng ông đã thanh toán hết tiền mua đất vào ngày 30/12/2002 mới mượn 10 triệu đồng nhưng lại không có chứng từ chứng minh.
![]() |
Chi cục Thuế Phổ Yên – Phú Bình khẳng định, không có các biên lai thu thuế thửa đất số 37b tờ bản đồ 79 |
Đặc biệt, ông Long bà Chi cho rằng, quá trình sử dụng đất, ông bà đã xây nhà cấp 4 fibro xi măng và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với thửa đất từ 2004 (truy thu 2003). Từ 2011 đến nay thì không nộp nữa vì không có thông báo nộp thuế. Đồng thời ông Long, bà Chi trưng ra nhiều phiếu thu, thông báo nộp thuế.
Tuy nhiên, ngày 12/8/2020, Chi cục Thuế Phổ Yên – Phú Bình có công văn 552/CCT KV-TTHT gửi TAND TX Phổ Yên khẳng định, từ 2012 đến nay, Chi cục thuế chưa thông báo nộp thuế nhà đất (nay là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) cho ông Đồng Quang Lập và ông Phạm Nam Long với lý do chưa kê khai nộp thuế thửa đất 37b, tờ bản đồ số 19 với Chi cục thuế. Đồng thời, Chi cục Thuế Phổ Yên – Phú Bình khẳng định, không có các biên lai thu thuế thửa đất số 37b tờ bản đồ 79 như ông Long – bà Chi đã cung cấp cho TAND Thị xã Phổ Yên.
Một bất cập khác là, 2/3 của 19.000.000 đồng là 12.666.667 đồng. Ông Long - bà Chi chỉ mới thực trả 11,5 triệu đồng nhưng các bản án nhận định ông Long - bà Chi đã trả cho ông Lập – bà Hằng 2/3 giá trị thửa đất. Nên, mặc dù hợp đồng chuyển nhượng viết tay ghi “Giấy biên nhận mua bán đất thổ cư” không đúng quy định của pháp luật và không có chứng thực nhưng đã trả được 2/3 số tiền thỏa thuận chuyển nhượng nên Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng viết tay không bị vô hiệu?!
Thêm vào đó, theo biên bản thẩm định tại chỗ ngày 26/4/2019, thửa đất có diện tích 190m2 chưa tách thửa, còn trên GCN QSDĐ số C344038 thửa đất có diện tích đất thổ cư 100m2. Biên bản thẩm định tại chỗ định giá đất ở là 6 triệu đồng/m2, trong khi giá đất tại thời điểm xét xử tháng 9/2020 (17 tháng sau) là 1,2 tỷ đồng/100m2. Nhưng Tòa án vẫn công nhận sự tự nguyện của ông Long bà Chi trả thêm 200 triệu đồng (bằng 1/3 theo giá thẩm định tại chỗ) cho ông Lập và bà Hằng.
![]() |
Văn phòng Chính phủ yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét giải quyết |
Trong khi đó, cũng thửa đất trên, ngày 10/8/2020, vợ chồng ông Lập – bà Hằng đã lập Hợp đồng chuyển nhượng hợp pháp tại Phòng công chứng Nguyễn Yến cho bà Lê Thị Chinh; Giá trị chuyển nhượng được ghi rõ trong Hợp đồng công chứng là 1,2 tỷ đồng; Thời điểm công chứng, thửa đất không có thông báo tranh chấp nên Văn phòng công chứng đã cho 2 bên thực hiện chuyển nhượng, thì lại không được Tòa án đưa vào vụ án xem xét để đảm bảo công bằng, hợp lý, hợp tình.
Trước hàng loạt bất cập nhưng Tòa án không xem xét toàn diện mà vẫn công nhận Hợp đồng chuyển nhượng viết tay hợp lệ và buộc ông Lập bà Hằng phải giao đất cho ông Long – bà Chi.
Thêm vào đó, cùng một thửa đất có 2 tranh chấp nhưng Tòa án chỉ xem xét giải quyết quyền lợi của vợ chồng ông Long - bà Chi và “loại” yêu cầu được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của bà Lê Thị Chinh. Bản án phúc thẩm số 23/2021/DS-PT ngày 25/3/2021 nhận định, “nếu có tranh chấp giữa ông Lập và bà Chinh thì các bên có thể khởi kiện bằng vụ án khác”. Dư luận đặt dấu hỏi, có thể khởi kiện bằng vụ án khác được không, khi mà thửa đất tranh chấp được Tòa án quyết định giao cho vợ chồng ông Long – bà Chi?
Hiện vụ việc đã được Văn phòng Chính phủ yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật./.