
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã vận dụng linh hoạt các giải pháp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số tại địa phương, qua đó, đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật. Có thể nói Thanh Hoá là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số. |
Kết quả thực hiện chuyển đổi số tính đến thời điểm hiện tại cho thấy, tỉnh Thanh Hoá đã hướng dẫn, hỗ trợ cho 66.816 doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; có 67 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn” và 577 sản phẩm lên cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Thanh Hóa; 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập 4.233 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 14.478 thành viên tham gia. Với sự nỗ lực và quyết tâm lớn, trong 9 tháng năm 2022, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những nhiểu kết quả nổi bật, mang lại những tiện ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 1.525.644 lượt văn bản, số văn bản gửi đi trên hệ thống là 617.936 văn bản, tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99,07% giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan Nhà nước. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 149 dịch vụ công mức độ 3 và 725 dịch vụ công mức độ 4; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 863 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận 502.225 hồ sơ, trong đó tiếp nhận, xử lý 192.933 hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,6%; 100% cơ quan chính quyền đều sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử, trong đó tổng số hồ sơ chứng thực là 97.979 hồ sơ, số hồ sơ đã hoàn thành chứng thực 91.507, đạt tỉ lệ 93%. Toàn tỉnh Thanh Hoá đã có 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 97,5%); có 1.138 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (chiếm 98,4%); có 1.306.281 hóa đơn điện tử đã được sử dụng và truyền về cơ quan thuế; hỗ trợ trên 551.817 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu; triển khai chữ ký số công cộng (VNPT CA) cho trên 5.000 doanh nghiệp và hơn 600 hộ kinh doanh; góp phần giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh từng bước chuyển đổi số, thực hiện ký hồ sơ hợp đồng điện tử, nộp thuế, báo cáo thuế trực tuyến. Bên cạnh đó, 27/27 bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương; 100% bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, triển khai hóa đơn điện tử; triển khai phần mềm quản lý nhà thuốc đến hơn 765 nhà thuốc để kết nối với cổng dược quốc gia nhằm quản lý, kê đơn bán thuốc trong ngành y tế; trao tặng 5 bộ thiết bị khám, chữa bệnh từ xa cho 5 bệnh viện huyện là Bệnh viện Đa khoa Bá Thước, Bệnh viện Đa khoa Thường Xuân, Bệnh viện Đa khoa Mường Lát, Bệnh viện Đa khoa Lang Chánh, Bệnh viện Đa khoa Đông Sơn; triển khai phần mềm quản lý giáo dục vnEdu đến gần 1.800 trường học; triển khai các app di động cho 150.000 tài khoản của giáo viên và phụ huynh học sinh. |
Phát biểu tại buổi khai mạc các sự kiện hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 ngày 6/10 vừa qua, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá khẳng định, chuyển đổi số hiện nay không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai nữa. Đây là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, mà chuyển đổi số là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. "Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn tới. Với tinh thần là chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số", ông Mai Xuân Liêm nhấn mạnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, ngày 10/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực được đẩy mạnh như: Ngân hàng, Thuế, Hải quan, y tế, giáo dục…; người dân đã dần dần thay đổi thói quen từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán trực tuyến; từ mua bán theo phương thức truyền thống sang mua, bán, giao dịch qua môi trường mạng... Là cơ quan thường trực về vấn đề vấn đề nêu trên, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ –TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi só quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Quyết định số 4216/ QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy đối với người đứng đầu đóng vai trò quan trọng; Xây dựng, hoàn thiện thể chế và công nghệ là động lực; Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng là khâu then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. |
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá, để chuyển đổi số thành công, trước hết cần phải có sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Ngoài ra, cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phát triển hạ tầng băng rộng, ưu tiên phát triển tại các khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các khu du lịch,…; phát triển hạ tầng mạng 4G, 5G; phổ cập thuê bao cáp quang tại các hộ gia đình. Thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Triển khai các nền tảng số trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, ngân hàng số…; Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) trong các lĩnh vực phục vụ nhu cầu quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh. Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, phát triển cá dịch vụ thành phố thông minh; hoàn thiện mạng truyền số liệu chuyên dùng, các hệ thống phần mềm dùng chung, số hóa dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành… Tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số. Nói về lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, ông Đỗ Hữu Quyết cho biết, chuyển đổi số phải được triển khai toàn diện, đồng bộ trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Thứ nhất, cần tập trung xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng. Thứ hai, cần tập trung chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực tỉnh Thanh Hóa có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng,… Thứ ba, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số quy mô lớn vào đầu tư tại Thanh Hóa làm động lực dẫn dắt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có cơ chế, chính sách để hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Thu hút, kêu gọi, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trên địa bàn tỉnh. Thứ tư, một yếu tố rất quan trọng để chuyển đổi số thành công đó là tiếp tục đầu tư hạ tầng số, các nền tảng số, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, số hóa dữ liệu, tích hợp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu…, phục vụ chính quyền, doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi số. |
Nội dung và Thiết kế: Đức Thiện. |