![]() |
Thanh Hoá hiện có 359 đơn vị khối hành chính sự nghiệp và 3.024 đơn vị khối doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. |
Theo tìm hiểu, toàn tỉnh thanh Hoá hiện có 20.520 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó có 78 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 112 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, 20.330 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp khoảng 400.110 người. Tính đến tháng 02/2023, toàn tỉnh Thanh Hoá có 3.107.023 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến nay, vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành việc tham gia và trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nhiều doanh nghiệp trốn đóng hoặc không kê khai số lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc, điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Hiện có 3.383 mã đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền nợ lên đến 466,6 tỷ đồng.
Khối hành chính sự nghiệp, có 359 đơn vị chậm đóng với số tiền 7,49 tỷ đồng. Một số đơn vị có số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hoá (đơn vị tiếp nhận bàn giao số tiền chậm đóng của Ban Giải phóng mặt bằng và tái định cư thành phố Thanh Hoá) chậm đóng 25 tháng, với số tiền 2,65 tỷ đồng; Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hoá Hàm Rồng thành phố Thanh Hoá chậm đóng 12 tháng, với số tiền 317 triệu đồng; Đội đảm bảo giao thông Triệu Sơn chậm đóng 19 tháng, với số tiền 498 triệu đồng…
Khối doanh nghiệp, hợp tác xã có 3.024 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 40.144 lao động, với số tiền 439,09 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có đông lao động và số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài.
Cụ thể là: Công ty TNHH FLC SamSon Golf & Resort có 862 lao động, chậm đóng 22 tháng, với số tiền 18,8 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Thanh Hoá có 50 lao động, chậm đóng 79 tháng, với số tiền 15,47 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 có 63 lao động, chậm đóng 55 tháng, với số tiền 9,3 tỷ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 202 lao động, chậm đóng 22 tháng, với số tiền 6,32 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV JLG Vina có 102 lao động, chậm đóng 31 tháng, với số tiền 4,04 tỷ đồng; Công ty TNHH liên doanh Vinastone có 140 lao động, chậm đóng 18 tháng, với số tiền 2,4 tỷ đồng…
Trước thực trạng nêu trên, một số chuyên gia cho rằng, việc chậm đóng hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía. Về phía doanh nghiệp, nếu không nộp đầy đủ chế độ hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ không yên tâm gắn bó lâu dài. Còn với người lao động, nếu không may làm việc trong các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, họ bị ảnh hưởng đến những quyền lợi chính đáng, đặc biệt là giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Liên quan đến nội dung trên, khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định, phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội; Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.
Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia pháp lý phân tích, hành vi trốn đóng hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị xử lý hình sự, tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 7 năm tù và doanh nghiệp phạm tội có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng. Thực tế, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp nợ quỹ bảo hiểm xã hội./.