Quyết liệt trong công tác triển khai lấy ý kiến
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 170/NQ-CP, ngày 31/12/2022 của Chính phủ, ngày 22/01/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc triển khai thực hiện, như: Công văn số 1123/UBND-NN ngày 01/02/2023 về việc triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Công văn số 1236/UBND-NN ngày 03/02/2023 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Công văn số 1570/UBND-NN ngày 13/02/2023 về việc kiểm tra đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại địa phương đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);…
Thực hiện Kế hoạch số 11/KH-UBND, các văn bản đôn đốc, chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 31/01/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 584/STNMT-PC gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh để triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian theo kế hoạch đề ra.
![]() |
Từ các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo đúng yêu cầu tiến độ đề ra. |
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các Công văn: số 568/STNMT-PC ngày 31/3/2023; số 671/STNMT-PC ngày 3/2/2023 triển khai các nội dung Kế hoạch số 11/KH-UBND của UBND tỉnh Thanh Hoá. Đồng thời, đăng tải toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu kèm theo phục vụ lấy ý kiến nhân dân lên Trang thông tin điện tử của Sở; Ban hành quyết định thành lập 4 tổ công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
Từ các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo đúng yêu cầu tiến độ đề ra.
Tổ chức 7.865 hội nghị, nhận được 429.337 lượt ý kiến góp ý
Là cơ quan tham mưu thực hiện kế hoạch, triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá cho biết, việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian hoàn thành lấy ý kiến; các ý kiến đóng góp đã tập trung vào 09 vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, phản ánh rõ tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013.
![]() |
Toàn tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 7.865 hội nghị, nhận được 429.337 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Theo tìm hiểu, đến ngày 15/3/2023, hầu hết các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về cho cơ quan tham mưu. Toàn tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 7.865 hội nghị, nhận được 429.337 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đã có 608 nhóm ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể: Chương I có 65 nhóm ý kiến góp ý; Chương II có 26 nhóm ý kiến góp ý; Chương III có 43 nhóm ý kiến góp ý; Chương IV có 01 nhóm ý kiến góp ý; Chương V có 56 nhóm ý kiến góp ý; Chương VI có 66 nhóm ý kiến góp ý; Chương VII có 64 nhóm ý kiến góp ý; Chương VIII có nhóm 7 ý kiến góp ý; Chương IX có 62 nhóm ý kiến góp ý; Chương X có 50 nhóm ý kiến góp ý; Chương XI có 59 nhóm ý kiến góp ý; Chương XII có 5 nhóm ý kiến góp ý; Chương XIII có 68 nhóm ý kiến góp ý; Chương XIV có 03 nhóm ý kiến góp ý; Chương XV có 28 nhóm ý kiến góp ý; Chương XVI có 05 nhóm ý kiến góp ý.
Hầu hết, các ý kiến đều cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, thể chế các định hướng chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
![]() |
Đã có 608 nhóm ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Nội dung dự thảo Luật đã được bổ sung chi tiết hơn (tăng cả số Chương và số Điều so với Luật hiện hành); sửa đổi những nội dung quy định còn bất cập trong thực hiện (về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…); đồng thời cũng bổ sung những chính sách mới mà Luật hiện hành chưa có quy định để điều chỉnh (bổ sung giải thích nhiều từ ngữ, chế độ đất trên không, sử dụng đất kết hợp vào nhiều mục đích,…).
Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và quy định của pháp luật chuyên ngành khác; quy định về đấu giá, đấu thầu, điều kiện đảm bảo năng lực của các chủ thể tham gia đấu giá, đấu thầu; quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất… chưa cụ thể, rõ ràng, chưa bao quát được trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất./.