![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. |
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công an, Bộ Xây dựng và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận:
Những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy được Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản hoàn thiện, lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy từng bước được kiện toàn và tăng cường, tạo nhiều chuyển biến tích cực, kiềm chế và giảm cả ba tiêu chí về số vụ, thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng cháy, chữa cháy cũng bộc lộ một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, trên địa bàn cả nước hiện có 39.536 cơ sở hiện hữu còn tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy khó hoặc không có khả năng khắc phục, nhất là vi phạm, thiếu sót về kiến trúc, kết cấu, trật tự xây dựng của công trình.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nguyên nhân tình trạng trên là do công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng một số nơi còn bị buông lỏng, chưa hợp lý, thiếu khoa học, bài bản, chưa tính đến phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ; nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thiếu quan tâm, chưa tuân thủ đầy đủ quy định về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các đối tượng nhà ở riêng lẻ chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh; quá trình xây dựng, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phòng cháy, chữa cháy chưa đánh giá kỹ tác động và điều kiện bảo đảm thực hiện nên một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Để khẩn trương khắc phục khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan, trên cơ sở kết quả rà soát các vướng mắc từ thực tiễn, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu có tồn tại, vướng mắc trên nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy, không hợp thức hóa sai phạm”, trình Chính phủ trước ngày 31 tháng 5 năm 2023.
Nghiên cứu rà soát, sửa đổi Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình phù hợp với mục đích, loại hình, công năng của công trình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghệ để đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất không gây lãng phí nguồn lực xã hội và có tính khả thi, trong đó bao gồm: (1) Các quy chuẩn đặc thù đối với nhóm loại hình nhà ở, sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về cháy, nổ, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân như: kinh doanh gas, các mặt hàng, vật liệu dễ cháy, dịch vụ karaoke, vũ trường, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị…; (2) Quy chuẩn đối với các loại hình không có nguy cơ cao, môi trường cháy, vật liệu cháy,… Quy chuẩn cần được lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động để ban hành trước ngày 30 tháng 6 năm 2023.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đề xuất sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tăng cường phân cấp trong thực hiện công tác quản lý nhà nước, thẩm duyệt, cấp phép theo hướng phân định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương trong công tác thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động tư vấn kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn về phương tiện phòng cháy, chữa cháy (đối với nhà sản xuất và nhập khẩu) để nhà nước chứng nhận, thừa nhận; tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền có cơ chế công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả kiểm định, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy của các nước tiên tiến đối với phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
Tiếp tục khẩn trương xử lý các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; kịp thời kiểm tra, đánh giá cho phép các công trình, cơ sở hoạt động trở lại sau khi đã khắc phục tồn tại, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hình thành chuyên ngành đào tạo kỹ sư, nhân lực phòng cháy, chữa cháy cho các ngành, các địa phương.
Tại Thanh Hoá, sau khi nhận được Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính Phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị nêu trên, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện, báo cáo và đề xuất các giải pháp trước ngày 01/6/2023./.