![]() |
Thày cúng đang thực hiện một nghi lễ |
Thầy cúng không phải được sự lựa chọn của cộng đồng, cũng không phải nhờ học hành mà thành; người làm cúng phải do được truyền lại, mỗi đời thầy cúng chỉ truyền lại được cho một người, không nhất thiết phải là con, cháu mà là người được “hưởng lộc” của tổ tiên mới có thể thành thầy cúng được.
Việc truyền nghề cúng không đơn giản là “cha truyền con nối” mà trong ý thức của người Mông thì đó là sự “lựa chọn” của thần linh; bởi những bài cúng bằng tiếng Hán cổ và tiếng Mông không hề có sách nào ghi chép lại, người học làm thầy cúng chỉ học truyền miệng và ứng dụng cho phù hợp với mục đích và quy mô của từng khoá lễ. Phạm vi hoạt động của thầy cúng không chỉ trong một bản; mà có khi mấy bản cận kề hoặc cả vùng mới có một thầy cúng giỏi, thầy cúng biết hát các bài cúng bằng tiếng Hán cổ.
Ban thờ của thầy cúng cũng tương tự như ban thờ trong các gia đình; nhưng khác một chút là có thêm một ban nhỏ ở bên phải để thờ Thổ công và thần Thuốc (vì thầy cúng của người Mông thường kiêm nghề làm thuốc chữa bệnh), có cắm một cành trúc nhỏ dùng để đuổi tà ma và được truyền lại từ đời trước chứ không được phép lấy cành mới.
Trên ban thờ của thầy cúng có rất nhiều tờ giấy màu đỏ, trắng, vàng, tím cắt các hình hoa văn của người Mông: ở chính giữa là một hình vuông, xung quanh có tám tia là hình các thoi từ to đến nhỏ toả dần về các hướng khác nhau tạo cảm giác như những tia hào quang rực rỡ của mặt trời.
Những đồ trang trí trên ban thờ được bày biện quanh năm ở đó, đến ngày 29 tháng Chạp thì mang hoá (đốt bỏ đi); từ ngày mồng 1 đến mồng 5 Tết chỉ cúng ban thờ không và sau đó mới dán lại các tờ giấy và đồ lễ mới. Như vậy, bằng cách bày biện và thời gian dọn dẹp ban thờ như trên, người Mông không có quan niệm về thần Bếp và ngày 23 tháng Chạp như nhiều tộc người khác. Trên ban thờ của thầy cúng có chuông và kéo. Chuông thầy cúng nhỏ có gắn các hạt bằng sắt và quấn quanh bằng một dải vải đỏ; và kéo thầy cúng là một vòng sắt hở nặng khoảng 0,8 – 1kg, phía đầu vòng sắt là một cái kéo, có xâu lỗ và gắn một số đồng xèng.
Khi làm lễ, thầy cúng rung chuông và hát các bài hát bằng tiếng Hán cổ. Tuỳ từng mục đích của buổi lễ mà khi lễ xong thầy sẽ sử dụng kéo khác nhau. Chẳng hạn, cầu sức khoẻ và xua đuổi tà ma ở trẻ nhỏ thì cho kéo qua đầu đứa trẻ đưa từ trên xuống dưới; còn làm lễ cho người lớn thì người đó ôm kéo đưa từ trên đầu xuống dưới chân và bước chân qua.
![]() |
Chuẩn bị cho một buổi lễ cúng Rừng |
Đồ nghề của thầy cúng còn có một số thứ không bày trên ban thờ như trống, mấy cặp ngọn sừng trâu cưa đôi được dùng như đồng tiền gieo quẻ sấp ngửa của người Việt. Thầy cúng có vai trò đặc biệt trong bản của người Mông; đó là người nắm được lịch sử, các phong tục, tập quán truyền thống của tộc người, thầy cúng còn là người khám chữa bệnh cho dân; trong một số trường hợp, thầy cúng còn là người đưa ra những ý kiến cuối cùng mang tính chất quyết định những công việc quan trọng của cộng đồng.
Nói một cách khác, khi chưa có chính quyền Cách mạng, chưa có Bí thư, Chủ tịch xã, Trưởng bản, Trưởng thôn do dân bầu thì trong cộng đồng người Mông, thầy cúng có vai trò quan trọng nhất và có uy tín nhất. Ngay cả bây giờ, nhiều khi, Bí thư, Trưởng bản, vẫn phải thông qua thầy cúng để chuyển tải chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với dân. Thầy cúng là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mông và trong đời sống văn hoá tinh thần của các tộc người thiểu số nói chung ở nước ta.
Tìm hiểu tập tục thờ cúng của người mông chúng ta thấy, với mục tiêu “bảo tồn và phát huy” những giá trị văn hoá tốt đẹp của các tộc người anh em trên đất nước Việt Nam; thì về tục thờ cúng ở người Mông có những điều mang bản sắc văn hóa rất đẹp đó là:
- Việc thờ cúng đơn giản nhưng vẫn rất trang trọng; các ngày lễ Tết lấy mục đích vui và tưởng nhớ tổ tiên hoặc vui chơi sau một năm lao động vất vả cực nhọc là chính chứ không nặng về các nghi lễ hoặc ăn uống cỗ bàn.
- Qua một số tục lệ, tín ngưỡng của người Mông, chúng ta thấy có sự pha trộn những hình thức tôn giáo sơ khai với tín ngưỡng đa thần giáo. Trong đó, nổi bật là niềm tin vào cái thiện, tin vào nhiên thần và tổ tiên, coi đó là các thế lực tối cao có thể chi phối toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân trong cộng đồng.
Nói về phong tục, tập quán của một tộc người không thể đơn giản và một chiều. Ở đây, chỉ mới dừng lại ở việc thống kê có so sánh một số tục lệ thờ cúng của người Mông. Sẽ còn rất nhiều điều phải nghiên cứu, tìm hiểu. Những tục lệ thờ cúng nói tới ở trên, trước hết mang tính chất thông tin, tư liệu nhưng là vấn đề có tính thời sự trong chủ trương giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Và thầy cúng cũng là một đối tượng nghiên cứu, đó chính là người giữ một phần bản sắc dân tộc qua kho tàng văn hóa phi vật thể của mỗi dân tộc. đặc biệt là người Mông một dân tộc mới di cư vào nước ta vài thế kỷ nhưng đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.