Điều đó có nghĩa là, những người lãnh đạo - quản lý (gọi chung là người có chức trách) cần phải biết dám vượt qua những sai lầm, tư duy giáo điều, bỏ đi cái “nếp cũ” và áp dụng những phương pháp “mới” trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
![]() |
Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài cũng không thoát lưới pháp luật |
Chẳng hạn, như phòng, chống các tệ nạn này bằng cách thực hiện đổi mới thể chế, tăng cường sự minh bạch, hay đảm bảo tôn trọng “sự thật” trong quá trình lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước. Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ: "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ"; hơn nữa: "Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được".
Hiện nay, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở nước ta là vấn đề nổi cộm và “nóng” nhất, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Việc thực hiện phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí theo các phương pháp của Hồ Chí Minh như được phân tích ở trên là có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo đó, để phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí đạt được hiệu quả, rất cần phải đổi mới phương pháp theo hướng loại trừ được căn nguyên từ gốc rễ sinh ra các tệ nạn này. Điều đó đồng nghĩa với việc phải tiếp tục có sự đổi mới thể chế chính trị, xã hội. Thể chế chính trị, xã hội có nhiều bất cập được coi là căn nguyên gốc rễ dẫn đến các tệ nạn này.
Ở nước ta hiện nay, thể chế chính trị, xã hội đang được đổi mới cùng với đổi mới về kinh tế. Thể chế chính trị, xã hội hiện vẫn còn không ít những bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường theo hướng hiện đại.
Do vậy, theo chúng tôi, tiếp tục đổi mới thể chế chính trị, xã hội theo hướng tập trung xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và xã hội dân sự cần phải được coi là giải pháp thực hiện từ gốc để đạt được hiệu quả cao trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự khi được xây dựng hoàn chỉnh, thì có thể ví nước ta như một người có thể chế kinh tế thị trường hiện đại đang được hoàn thiện với hai (đôi) “chân” chắc khỏe, cân xứng kết hợp hài hòa giữa “công hữu” và “tư hữu”, lại có thêm đôi "tay" chắc khỏe, cân xứng bao gồm "nhà nước pháp quyền"
Và "xã hội dân sự" tạo nên "cơ chế" hợp lý trong việc kết hợp hài hòa giữa hai mặt "quyền" và "lợi", tức giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, xung đột, tiêu cực (trở ngại) phát sinh trong quá trình phát triển đi lên của đất nước.
![]() |
Đại gia Phạm công Danh rồi cũng phải hầu tòa |
Nói cách khác, Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và xã hội dân sự được xây dựng hoàn chỉnh ở nước ta sẽ chính là cơ chế hiệu quả để kiểm soát sự tha hóa của quyền lực phát sinh từ thể chế kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu dân chủ hóa xã hội, đồng thời trợ giúp những người yếu thế, giải quyết hài hòa về lợi ích giữa các giai tầng, các nhóm, các cá nhân, tạo lập sự công bằng trong xã hội.
Cùng với phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và xã hội dân sự phù hợp với đặc điểm cụ thể ở nước ta chính là các giải pháp thiết thực, hiệu quả, thực hiện một cách đồng bộ cả đổi mới kinh tế và chính trị, xã hội, tạo động lực mới cho đất nước phát triển bền vững để hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp đã xác định.