Vạn Xuân là một xã nằm ở phía tây của huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), cách trung tâm huyện 19 km, cách thành phố Thanh Hóa 60 km. Xã có tổng diện tích tự nhiên là gần 14.000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là hơn 12.000 ha. Xã Vạn Xuân có 10 thôn, toàn xã có 1.226 hộ với trên 5.600 nhân khẩu gồm 3 dân tộc: Thái, Kinh, Mường.
Với đặc điểm là xã miền núi, khi bắt đầu hành trình xây dựng nông thôn mới xã Vạn Xuân gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, manh mún, khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hóa sản xuất. Trong khi, diện tích đất chủ yếu là đồi núi chiếm 83% tổng diện tích tự nhiên, độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt đặc biệt là vào mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét làm thiệt hại về tài sản, mùa màng, sạt lở đất dẫn đến một số thôn bị cô lập gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và giao lưu hàng hóa. Mùa khô tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Lực lượng lao động của xã khi đó đa phần chưa qua đào tạo, năng suất lao động thấp. Trình độ dân trí của xã không đồng đều, tồn tại phong tục, tập quán canh tác lạc hậu, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa trong nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng của xã chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất hạ tầng đường giao thông kém và thường bị chia cắt, cô lập trong mùa mưa đối với một số thôn trong xã.
Điều kiện kinh tế của nhân dân trên địa bàn phát triển chậm, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất trong xã qui mô nhỏ, số lượng ít nên xã Vạn Xuân gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình phúc lợi.
![]() |
Công sở xã Vạn Xuân. |
Khó khăn chồng chất là vậy, nhưng để thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ đạo Nông Thôn Mới của huyện Thường Xuân chấp thuận cho xã Vạn Xuân đăng ký về đích nông thôn mới năm 2020.
Thường vụ Đảng ủy xã Vạn Xuân đã triệu tập hội nghị Đảng bộ ra Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Nông thôn mới năm 2020. Ngay sau đó, Đảng ủy xã Vạn Xuân ban hành Quyết định số 11 - QĐ/ĐU ngày 30/9/2020 về kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc Gia. Phân công trách nhiệm cho từng thành viên ban chỉ đạo.
Ủy Ban Nhân Dân Xã Vạn Xuân ban hành Kế hoạch số: 12/KH-UBND, ngày 30/07/2019 kế hoạch thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo nhanh và bền vững năm 2019.
Trên cơ sở các quyết định, chương trình, kế hoạch ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho từng thành viên ban chỉ đạo làm căn cứ để tổ chức triển khai và thực hiện giám sát việc hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Vạn Xuân định kỳ tổ chức hội nghị giao ban hàng tháng, hàng quý đánh giá tiến độ hoàn thành nội dung từng công việc từng bộ phận chuyên môn phụ trách từng tiêu chí, rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo điều hành, đề ra phương hướng thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.
Bằng sự quyết tâm cao độ, sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị của xã Vạn Xuân, chương trình mục tiêu Quốc Gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ từ xã đến thôn, các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn xã tạo không khí thi đua với mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, xã chuẩn nông thôn mới năm 2020. Kết quả đến năm 2020, Vạn Xuân là xã đầu tiên của cụm “5 xuân” ((gồm 5 xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Xuân Thắng, Xuân Cao, Vạn Xuân) về đích nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Vạn Xuân ngày càng được nâng cao.
![]() |
Nông thôn mới giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Vạn Xuân ngày càng được nâng cao. |
Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, kinh tế của xã có những chuyển biến tích cực. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều. Nhân dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa những cây, con giống mới, năng suất chất lượng cao vào sản xuất, đầu tư phát triển đàn gia súc, gia cầm, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường. Bám sát nghị quyết phát triển kinh tế của đảng ủy, các chi bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên; tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước và nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, các công trình liên quan đến đời sống sinh hoạt của người dân, như: giao thông, thủy lợi, trường học, các thiết chế văn hóa... Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cơ cấu trong các ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Xã Vạn Xuân hiện tại đã có 7 doanh nghiệp, 1 HTX dịch vụ, 93 cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động hiệu quả. Nhiều mô hình kinh tế của các hộ dân có giá trị thu nhập cao, như: gia trại, trang trại chăn nuôi gia cầm, lợn, cá, trồng rừng kết hợp chăn nuôi trâu... Cùng với đó, xã phối hợp với các công ty tư vấn tuyển dụng lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, làm việc ở các công ty trong và ngoài tỉnh. Hệ thống hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ.
Trao đổi với Tầm Nhìn, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Xuân, cho biết: “Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân và sự nỗ lực cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Vạn Xuân đã về đích xã nông thôn mới và đang tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn, đồng thời xây dựng 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2025 là thôn Hang Cáu và thôn Cang Khèn để tiếp tục lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, giữ vững vị thế xã đi đầu trong cụm “5 xuân”.