![]() |
Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN phát động hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15-7 |
Nếu học tập nghiêm túc, đào tạo kỹ năng nghề của Việt Nam không thua kém các nước khu vực và thế giới
Nguyễn Đức Lợi, cựu sinh viên trường Trung Cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh, cho biết, anh theo học hệ Trung cấp nghề tại đây từ năm 2015. Tốt nghiệp THCS thì làm hồ sơ đăng ký theo học trường nghề luôn. Lúc đó, Đức Lợi đã chọn nghề Bảo trì cơ khí, là khóa đầu tiên trường mới mở ra. Theo lời của thanh niên này thì ngành bảo trì cơ khí đóng một vai trò quan trọng đối với tất cả các loại máy móc hiện đang lưu hành và sử dụng ở Việt Nam, tuy nhiên, việc chăm sóc và bảo trì một cách chuyên nghiệp thì chưa được chú ý. Là một người yêu thích say mê đặc biệt đối với ngành cơ khí, chế tạo máy, Lợi đã không cần đắn đo lâu mà chọn luôn ngành này để theo học. "Tôi muốn không chỉ là người chỉ đứng và bấm vài cái nút thôi, tôi muốn tìm hiểu sâu về máy móc, về cơ chế vận hành của nó và điều trị nó nếu nó bị bệnh, bị lỗi", Đức Lợi chia sẻ.
![]() |
Đại sứ ngành Bảo trì cơ khí mong các HSSV nên cố gắng theo đuổi tới cùng ước mơ và mong muốn của mình, cuối cùng sẽ đạt được thành công. |
Năm 2017 tốt nghiệp với kết quả xuất sắc và được các thầy cô của trường giữ lại để đào tạo chuyên sâu, Đức Lợi đã tham gia cuộc thi đào tạo kỹ năng nghề ASEAN. Dưới sự dẫn dắt của các thầy cô và những chuyên gia trong lĩnh vực chế tạo máy và bảo trì cơ khí, Đức Lợi lần lượt tham dự và vượt qua các cuộc thi Kĩ năng nghề TP (Hồ Chí Minh), Kĩ năng nghề Việt Nam (quốc gia) và tiến vào Cuộc thi Kĩ năng nghề ASEAN tổ chức tại Thái Lan vơí lòng tự tin và quyết tâm cao.
Đức Lợi chia sẻ, khi tham dự kỳ thi khu vực, anh nhận thấy các thí sinh đến từ đất nước khác rất tự tin do được tiếp xúc và giao lưu quốc tế nhiều, tính đồng đội rất cao, được tiếp xúc với nhiều máy móc hiện đại hơn như thí sinh Thái Lan và Singapore nên kỹ năng nghề của họ rất thuần th. Còn thí sinh Việt Nam thì hơi rụt rè, tâm lý chưa vững vàng, kĩ năng phối hợp nhóm chưa cao.
Nhờ có sự động viên chỉ dẫn của các thầy cô, Lợi và các đồng đội đã phát huy đến mức cao nhất những gì mình đã được đào tạo, trở nên tự tin hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn. Kết quả năm ấy, Lợi và đồng đội đã giành Huy chương Vàng trong cuộc thi kĩ năng nghề ASEAN. Chỉ có chút nuối tiếc nho nhỏ là Worldskill chưa có nội dung thi này nên Lợi đã không có cơ hội để tham gia và đem huy chương về cho đất nước.
"Tôi thấy mình may mắn hơn các bạn khác một chút khi được lựa chọn để đi thi các cuộc thi này. Lợi ích lớn nhất mà nó đem lại là tôi có cơ hội tiếp thu nhiều nội dung học khác nhau, tăng cường thêm nhiều kĩ năng như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thi đấu, kĩ năng tiếng Anh... và đặc biệt tôi được tiếp xúc với nhiều máy móc thiết bị hiện đại giúp nâng cao kiến thức và kĩ năng, tay nghề".
Trường của tôi đào tạo khá tốt các kĩ năng nghề nghiệp, thầy với trò gắn kết với nhau, sát sao trong từng quá trình rèn luyện của mỗi học viên, thông qua đánh giá về khả năng và những ưu điểm vượt trội của các học viên, các thầy sẽ kết nối với các doanh nghiệp để giới thiệu học trò của mình cho họ, sau khi họ tốt nghiệp sẽ gửi các học viên này đến đó làm việc.
Nhận định về đào tạo nghề của Việt Nam, Đại sứ nghề Bảo trí cơ khí nói, Việt Nam đã đào tạo khá tốt về kĩ năng nghề nghiệp nhưng có một điểm chưa thật tốt đó là trang thiết bị cung cấp cho các học viên và thí sinh của chúng ta chưa theo kịp với các nước bạn. Học sinh của nước bạn được tiếp xúc nhiều với máy móc thiết bị hiện đại nên khi vào cuộc họ tự tin hơn.
Sau một thì gian đi làm, Đức Lợi nhận thấy lượng kiến thức mà anh tiếp nhận được ở nhà trường là nền tảng cơ bản, nhưng chỉ chiếm khoảng 50% kiến thức cần có để trở thành người thợ chuyên nghiệp, vì vậy, người lao động cần phải tự rèn luyện và học hỏi thêm, trải ngiệm thêm trong quá trình lao động để hoàn thiện và nâng cao kiến thức kĩ năng, trở thành những kĩ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình thành.
Hiện nay, Đức Lợi đang làm việc tại Công ty TNHH Máy công cụ ATC, chuyên nhập máy móc từ nước ngoài về, tân trang, sửa chữa, bảo trì máy móc cho các công ty xí nghiệp có nhu cầu. Mức thu nhập sau 3 năm đã đạt từ 10-17 triệu đồng.
Đức Lợi mong muốn các HSSV nên cố gắng theo đuổi tới cùng ước mơ và mong muốn của mình, theo phải theo cho tới, mình cố gắng thì cuối cùng sẽ đạt được thành công.
Vũ Hoàng Trinh, Đại sứ nghề Nấu ăn, người đã tốt nghiệp trường Trung cấp nghề Saigontourist từ 2014-2016 ngành Nấu ăn, chuyên ngành món Âu. Sau khi tốt nghiệp, Hoàng Trinh đã tự mở cơ sở kinh doanh piza tại nhà và đạt doanh thu ổn định từ 7-12 triệu đồng/ngày.
Vũ Hoàng Trinh đã tham gia kì thi Kĩ năng nghề ASEAN năm 2016 với nghề nấu ăn và giành Huy chương Bạc. Sau đó, cô còn tiếp tục tham gia kỳ thi Kĩ năng nghề thế giới giới và giành Chứng chỉ xuất sắc về kĩ thuật nấu món Âu cùng năm.
![]() |
Vũ Hoàng Trinh đã tham gia kì thi Kĩ năng nghề ASEAN năm 2016 với nghề nấu ăn và giành Huy chương Bạc, . Sau đó, cô còn tiếp tục tham gia kỳ thi Kĩ năng nghề thế giới giới và giành Chứng chỉ xuất sắc về kĩ thuật Nấu ăn. |
Chia sẻ với Tầm nhìn, Hoàng Trinh nhận định, việc đào tạo kĩ năng nghề nấu ăn của Việt Nam so với các nước ASEAN là ngang ngửa và có phần vượt trội vì đào tạo sát chuyên môn và rèn luyện kĩ năng rất tốt. Tuy nhiên khi thi đấu quốc tế thì người châu Á thi đấu với những đối thủ sinh phương Tây, bẩm sinh đã tiếp nhận kĩ thuật và hương vị đó thì không thể so sánh. May mắn của Trinh là được đào tạo bởi hai trường nghề Trung cấp Du lịch Saigontourist và Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội trước khi đi thi.
Hiện tại, Đại sứ nghề Nấu ăn Việt Nam này đã trở thành bà mẹ có con nhỏ và vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp kinh doanh của mình. Hoàng Trinh chia sẻ, vừa qua các thầy cô trường Trung cấp nghề Saigontouristđã mời cô trở lại trường với tư cách là giáo viên dạy nghề và truyền cảm hứng cho các học viên, dẫn dắt họ đi theo con đường thành công của cô.
Các Đại sứ khác, mỗi người là một gương mặt ưu tú, xứng đáng đại diện cho 12 ngành nghề mà họ được đào tạo. Những huy chương, vòng nguyệt quế mà họ mang hôm nay ghi dấu biết bao mồ hôi và nước mắt trên chặng đường rèn luyện kỹ năng đầy gian truân và thách thức. Những nỗ lực của họ, những bứt phá đầy bất ngờ và ngoạn mục trên các đấu trường cho thấy họ không chỉ ý thức sâu sắc về nghề nghiệp họ đã lựa chọn, theo học và được đào tạo, mà còn là màu cờ sắc áo quốc gia, một tinh thần mang Việt Nam đến với thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam.
![]() |
Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN trao quyết định bổ nhiệm các tân Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam |
Phát biểu tại Lễ Vinh danh các Đại sứ nghề, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN đã chúc mừng 12 Đại sứ nghề Việt nam vì những thành tựu họ đã đạt được và ông mong muốn các thanh niên Việt nam sẽ gặt hái nhiều thành công hơn, trai dồi rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn để thích ứng với những khó khăn cho biết trước mắt của đất nước và thế giới nói chung sau đại dịch Covid-19, đồng thời có tâm thế tốt nhất để đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ tư. Nhiệm vụ của họ không chỉ là đại diện cho các học viên có kỹ năng nghề mà còn phải dẫn dắt, truyền cảm hứng cho các thế hệ thanh niên trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của đất nước thời kỳ mới.
Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề
Ông Trương Anh Dũng cho biết, từ năm 2020 đến nay, toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Báo cáo "Xúc tác giáo dục 4.0 năm 2022" và Báo cáo "Nguy cơ toàn cầu năm 2022" của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã cảnh báo có tới 1,6 tỷ thanh niên bị ảnh hưởng bởi bởi việc đóng cửa các trường học trong gần 2 năm qua và ít được tiếp cận với các biên pháp khắc phục như học từ xa. Song song với đó là sự mất cân bằng thị trường lao động, chủ nghĩa bảo hộ và sự gia tăng khoảng cách về kỹ thuật số, giáo dục kỹ năng dẫn đến nguy cơ chia rẽ thế giới theo quỹ đạo khác nhau; thanh niên, phụ nữ và lao động có kĩ năng nghề thấp bị ảnh hưởng lớn hơn bởi đại dịch. Ít nhất đến năm 2023 nền kinh tế toàn cầu mới có thể tạo ra số lượng công việc đã mất do đại dịch, nhưng nhiều công việc trong số đó sẽ có năng suất thấp và chất lượng kém.
Trong bối cảnh đó, UNESCO đã đưa ra thông điệp "Chuyển đổi kỹ năng thanh niên cho tương lai". Trong đó, Giáo dục nghề nghiệp sẽ hỗ trợ giải quyết các thách thức bằng việc làm giảm các rào cản tiếp cận với thế giới việc làm, đảm bảo công nhận các kĩ năng đạt được, đồng thời cung cấp cơ hội phát triển kĩ năng cho thanh niên thôi học, không có việc làm, không tham gia giáo dục đào tạo.
![]() |
Phát động Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 (đợt 2). |
Để kỷ niệm và hưởng ứng ngày Kĩ năng thanh niên thế giới năm nay, tổ chức thi Kỹ năng nghề thế giới đưa ra thông điệp "Sức mạnh của các kĩ năng mang đến tương lai thịnh vượng cho các cá nhân, cộng đồng và quốc gia". Các quốc gia trên thế giới cũng tổ chức nhiều hoạt động như hội nghị, hội thảo, diễn đàn về giáo dục nghề nghiệp và phát triển kĩ năng nghề, các hoạt động vinh danh các lao động trẻ có kĩ năng nghề... Ở nước ta, tính đến hết Quí I năm 2022, cả nước có 52 triệu lao động, trong đó lao động là thanh niên(16-30 tuổi) chiếm 46% lực lượng lao động, tức là khoảng 24 triệu người. Ông Dũng tin tưởng lao động trẻ Việt Nam đặc biệt là lao động có tay nghề sẽ luôn là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển KTXH của đất nước trước yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ 4, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế và các thách thức toàn cầu hiện nay.
Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành địa phương thực hiện nhiều giải pháp về phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam. Bộ LĐTBXH cũng đang chỉ đạo Tổng cục GDNN xây dựng đề án Nâng tầm Kỹ năng cho lao động Việt Nam, trong đó có ưu tiên nâng tầm kỹ năng nghề cho lao động trẻ.
Nhân ngày Kỹ năng nghề thanh niên thế giới, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng đã kêu gọi Sở LĐTBXH các tỉnh thành phố, các cơ sở GDNN, các tổ chức đánh giá kỹ năng, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các hoạt động như sau:
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng, phổ biến về GDNN và phát triển kỹ năng nghề đối với lao động trẻ trong phát triển nghề nghiệp và thích ứng thị trường lao động đang thay đổi trong cuộc CMCN 4.0 và thời kì hậu Covid-19.
- Đa dạng hóa các chương trình đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo, tạo điều kiện cho thanh niên tham dự các khóa đào tạo, các kỳ đánh giá kỹ năng nghề để gia nhập thị trường lao động, lập nghiệp và thực hiện học tập suốt đời, phát triển sự nghiệp.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, đánh giá , phát triển kĩ năng nghề cho lao động trẻ theo nhu cầu doanh nghiệp, thực hiện công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và thực hành nghề.
- Phát động các phong trào "Thi đua học tập rèn luyện phát triển kỹ năng nghề thích ứng với thị trường lao động" tại các cơ sở GDNN và doanh nghiệp. Tổ chức khen thưởng hoặc đề nghị các cấp có thẩm quyền vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên.
Ông Dũng cũng đề nghị BTC thi Kỹ năng nghề Việt Nam phối hợp với Hội đồng thi quốc gia, các đơn vị đồng hành các đơn vị đăng cai để tổ chức thành công Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 (đợt 2) trong tuần lễ Hưởng ứng ngày Kỹ năng Thanh niên thế giới ( từ ngày 15-22/7/2022) với thông điệp "Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề".
Phát động Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12, đợt 2
Cũng trong ngày 15/7, Tổng cục GDNN đã tổ chức Lễ phát động Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 (đợt 2).
Ông Nguyễn Chí Trường Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề, Phó BTC kỹ thi Kỹ năng nghề Việt Nam lần thứ 12 cho biết , được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Bộ LĐTBXH, Lãnh đạo Tổng cục GDNN, BTC Kỹ thi Kỹ năng nghề Việt Nam cùng Hội đồng thi Quốc gia đã đổi mới toàn diện công tác tổ chức, ứng dụng tối đa tiến bộ KHCN, thực hiện chuyển đổi số trong các khâu tổ chức kỳ thi nhằm thực hiện mục tiêu kép thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đồng thời tạo cơ hội và tiên phong thích ứng với thời kỳ CMCN 4.0 trong việc thúc đẩy nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam và đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN.
![]() |
Tổng Cục Trưởng Tổng Cục GDNN Trương Anh Dũng tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Chí Trường Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề, Phó BTC kỹ thi Kỹ năng nghề Việt Nam lần thứ 12 |
Đợt 1 được tổ chức năm 2021 đối với 11 nghề theo hình thức trực tiếp và trực tuyến năm 2021 (do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều nội dung không thể tổ chức thi trực tiếp). Đến nay kỹ thi đã kéo dài trên 7 tháng. Đợt 2 kỹ thi sẽ kéo dài trong 10 ngày với 110 thí sinh tham dự. Các nội dung thi gồm có:
-Từ ngày 12-13/7, thi nghề Chăm sóc sắc đẹp và Thiết kế các kiểu tóc thuộc Hội đồng thi Quốc gia số 3 tại TTHN Hùng Vương, Hà nội, do Hiệp hội GDNN và nghề CTXH chủ trì và tự đảm bảo kinh phí.
-Từ 15-16/7, Tổ chức thi nghề Sơn ô tô thuộc Hội đồng thi Quốc gia số 2, diễn ra tại trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và sản xuất hóa chất sơn MT đăng cai và tự đảm bảo kinh phí, Sở LĐTBXH Hà Nội chủ trì.
- Từ 18-20/7 tổ chức thi nghề Điện lạnh tại trường CĐCN Hà Nội, do nhà trường đăng cai và Công ty cổ phần Daikin Air Conditioning Việt Nam hợp tác với Hội KHKT Lạnh & Điều hòa không khí Việt Nam tự đảm bảo kinh phí.
Cùng thời gian này, nghề Lái xe ô tô tổ chức thi tại trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội do nhà trường tự đảm bảo kinh phí.
Nghề Công nghệ thời trang tổ chức tại trường Cao đăng nghề Long Biên, tự đảm bảo kinh phí; nghề Chăm sóc sức khỏe và xã hội được tổ chức tại trường Cao đẳng Y tế Thái Bình do nhà trường và Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam tự đảm bảo kinh phí, thuộc Hội đồng thi Quốc gia số 4, Bộ Công thương chủ trì.
Từ 20-22/7, tổ chức thi nghề Công nghệ ô tô và Lắp đặt điện nước, thuộc Hội đồng thi Quốc gia số 1, tại trường Đại học SPKT Vĩnh Long do Sở LĐTBXH Vĩnh Long chủ trì và đảm bảo kinh phí.
Ngoài ra, Hiệp hội GDNN đã chủ trì tổ chức thi cho 4 modul nghề Chăm sóc sắc đẹp gồm Trang điểm nghệ thuật, Vẽ móng nghệ thuật, Phun thêu thẩm mĩ và Chăm sóc da- Spa. Với sự tham dự cảu 110 thí sinh đến từ các cơ sở GDNN trên cả nước, đây thực sự là một ngày hội trình diễn kỹ năng thực sự tại Hội đồng thi này.
Trường Đại học SPKT Vĩnh Long tổ chức trình diễn các nghề Chế tạo mô hình mẫu, sản xuất bồi đắp, Làm bánh mì, tiện CNC và phay CNC. Hai nghề Dịch vụ nhà hàng và Nấu ăn do trường đăng cai bằng nguồn kinh phí tự bảo đảm và một số nghề dự kiến tổ chức bằng ngân sách nhà nước nhưng chưa thể diễn ra do không đảm bảo điều kiện kinh phí và kỹ thuật.
Ông Nguyễn Chí Trường đã tuyên bố phát động cuộc thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 đợt 2 với tinh thần "Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi kỹ năng", "Chuyển đổi kỹ năng lao động để phục hồi KTXH sau đại dịch, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của KHCN và hội nhập quốc tế"... góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho đất nước./.