![]() |
Vị chủ tịch (giữa) đi chân đất , xắn quần kéo xe bò cùng với dân |
Vị Chủ tịch Thành phố trẻ tuổi, tài năng, đức độ
Người dân Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là lớp người xưa nay hiếm, khi nói về Thủ đô thường hay nhắc đến bác sĩ Trần Duy Hưng với sự tự hào, lòng ngưỡng mộ. Nhân dân Thủ đô mãi mãi nhớ ông chính là ở khía cạnh tài năng và đức độ. Ông là một trí thức tiêu biểu, vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc của dân theo đúng nghĩa.
Ghi nhận công lao to lớn của bác sĩ Trần Duy Hưng đối với Ðảng, Nhà nước và nhân dân, ngày 3-2-2005, Chủ tịch nước đã truy tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh. Nhân dân Thủ đô dành một trong những con đường đẹp nhất mang tên ông.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng Chủ tịch TP Hà Nội Trần Duy Hưng (trái) và thiếu tướng Vương Thừa Vũ (phải) trong ngày chính phủ kháng chiến về Thủ đô |
Tự hào và kính trọng bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô Hà Nội một phần vì cho đến nay ông vẫn là cây đại thụ với nhiều kỷ lục: Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô dưới chính thể Dân chủ Cộng hòa. Ông là vị Chủ tịch trẻ nhất vì khi nhậm chức ông mới 33 tuổi. Ông là người đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch thành phố lâu nhất, tổng cộng 24 năm. Ông là vị Chủ tịch duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tận tư gia trao nhiệm vụ. Và cuối cùng ông đã để lại cho Thủ đô rất nhiều công trình kinh tế, văn hóa, xã hội ấn tượng, đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh.
Trần Duy Hưng sinh ngày 16/1/1912 tại làng Hòe Thị, xã Xuân Phương, nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - một trong 4 địa danh nổi tiếng của Thủ đô xưa: Mỗ, La, Canh, Cót - những nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước.
Người cha truyền cảm hứng cho con mình
Trong trí nhớ những người con, thì cha họ, bác sỹ Trần Duy Hưng lúc nào cũng trìu mến, giản dị, ân cần. Dù cha đã “đi xa” mấy chục năm, nhưng những hình ảnh, kỷ niệm gắn với những ngày đầu tiên vừa giải phóng Thủ đô vẫn in đậm trong ông Thắng... Đó là hình ảnh người cha lúc nào cũng bộn bề công việc với một Hà Nội vừa được hồi sinh.
![]() |
Cụ Trần Duy Hưng bên người bạn đời và cháu |
Ông Trần Tiến Đức - con trai thứ hai của bác sĩ Trần Duy Hưng, nhớ về những chuyến đi mà cha cho đi cùng trong thời gian được sống bên cạnh ông, cho biết “Cha chúng tôi là tấm gương trong cuộc đời các con bằng cách ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội, với bạn bè, quan hệ cấp trên - cấp dưới.
Ông không bao giờ đánh, mắng con. Không khí trong gia đình thân thiện, hòa nhã, nhưng không phải quan hệ theo kiểu phương Tây bố con là bạn, mà vẫn là quan hệ phương Đông bố là bố, con là con. Các con quý, nể bố nhưng không sợ bố. Con cái có thể làm bất cứ việc gì mình thấy đúng. Ông không giáo huấn các con phải thế này thế nọ, mà khuyến khích con cái tự suy nghĩ, có gì sai sót ông uốn nắn nhẹ nhàng”.
Ông Trần Chiến Thắng- con trai út của bác sĩ Trần Duy Hưng tâm sự: “Cái tên của tôi đặc biệt lắm, cha tôi đặt tên là Chiến Thắng vì tôi được sinh ra ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Tôi là con út trong số 7 người con của bác sĩ Trần Duy Hưng. Tuy công việc bận rộn, nhưng cha tôi vẫn luôn giành cho gia đình sự quan tâm, trìu mến.
Hồi đó, gia đình tôi sống tại 11 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội. Tuy gia đình đông người nhưng các thành viên gia đình đều giữ được “nếp nhà”, vẫn tôn trọng và yêu thương nhau. Không chỉ có con cháu được hưởng từ nhân cách sống và văn hóa của cha, ông mà những người giúp việc nhà cũng ở với gia đình đến giây phút cuối cùng và có cách ứng xử rất “đẹp”. Bố tôi có lối sống giản dị, không bao giờ muốn phiền con cháu, thậm chí với cương vị Chủ tịch thành phố Hà Nội nhưng ông không cần xe đưa đón. Ông không bao giờ nói to hay mắng mỏ mọi người mà rất hòa nhã và ân cần. Những kỷ niệm và ký ức ấy sẽ mãi là món quà tinh thần mà chúng tôi – những người con của bác sỹ Trần Duy Hưng không bao giờ quên...”.
Ông Trần Chiến Thắng chia sẻ: “Vào năm 1972, những ngày Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom, cha tôi - vị Chủ tịch thành phố đầu tiên tại Hà Nội đã tự lái xe đến tất cả những nơi bị đánh phá, nhiều lần ông trực tiếp giúp các y tá, bác sĩ băng bó cho những người bị thương. Ông trực tự tay nhặt từng bộ phận thi thể của các nạn nhân trong những trận bom Mỹ… Nhiều người dù bị thương đã không cầm được nước mắt trước tấm lòng của ông. Cha tôi bảo, ngoài cương vị là một người đứng đầu thành phố thì ông còn là một bác sĩ, vì thế, cứu người đang bị thương cũng là trách nhiệm của ông...”.
![]() |
Cùng Bác Hồ gặp gỡ và khen thưởng các cháu học sinh |
Bà Phạm Thị Bích Hằng, vợ ông Trần Chiến Thắng nói: “Tôi là dâu út của cụ Trần Duy Hưng. Về làm dâu của gia đình, tôi cảm thấy rất may mắn. Tôi rất yêu quý và coi cụ như bố đẻ của mình. Trong gia đình, cụ là người cha yêu thương con cháu, tôn trọng vợ. Thường thì cụ hay được mời ăn tiệc chiêu đãi, nhưng hầu như lần nào cụ về nhà cũng không quên mang quà về cho vợ, khi thì chút bia, hoặc rượu vang... Sáng sáng, cha tôi còn tự tay pha cà phê, nước đầu tiên cụ pha và mang vào tận giường cho mẹ tôi. Bố chồng tôi là một người rất giản dị và văn hóa, hễ đi đâu về, hay có việc ra ngoài mà gặp các con cháu, cụ đều hỏi han và “chào” con. Có khi cụ đi từ cầu thang xuống mà gặp các con, cụ đều chào “Bố chào con”, hay trước khi đến ủy ban, ông đều nói: “Chào con, bố đi làm đây! Chúng tôi tự hào vì nhân cách của cha”.
Ông Thắng kể rằng, ông cụ đặc biệt không ưa tiệc tùng. Vì thế, mỗi lần đi công tác xa, ông đều ăn cơm cùng với bà con nông dân, vừa ăn những món ăn dân dã và trò chuyện, chia sẻ với họ. Mỗi bữa, cha tôi chỉ ăn lưng bát cơm. Ông thích ăn rau muống luộc chấm tương. Đọc sách, chơi nhạc là những việc ông truyền cảm hứng cho những đứa con. Ông yêu âm nhạc, hội họa, thi ca và đọc sách. Trong ngôi nhà tại 11 Lê Phụng Hiểu, thi thoảng người ta lại nghe tiếng nhạc Violon réo rắt mà ông Thị trưởng tự tay chơi và khán giả là vợ con và những người bạn thân thiết…
Nhớ về đám tang của cha mình, ông Thắng cho biết: Giữa những đoàn quan khách trong và ngoài nước tìm đến viếng bác sĩ Trần Duy Hưng còn rất đông những người công nhân, dân nghèo thành thị nội, ngoại thành. Họ kính cẩn nghiêng mình trước một bác sĩ - vị Chủ tịch thành phố luôn gần dân, yêu dân.