Chỉ đào tạo những gì doanh nghiệp cần
Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) đã có bề dày 50 năm xây dựng và phát triển. Mỗi năm, hàng ngàn sinh viên theo học các hệ Cao đẳng, trung cấp và các khóa sơ cấp tại trường. Những ngành nghề đang được sinh viên tin tưởng lựa chọn theo học là CN ô tô, Cơ điện tử,...
![]() |
NGƯT-Hiệu trưởng HCEM -TS Đồng Văn Ngọc tại Lễ ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VINFAST và các trường cao đẳng. |
Không chỉ được sinh viên và xã hội tin tưởng, đây cũng là nhóm ngành được các Doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong nước tìm đến để “đặt hàng” đào tạo ra nguồn lao động chất lượng cao và ổn định cho họ. Câu chuyện kết nối ND và nhà trường được NGƯT.TS.Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ như là hướng đi thích hợp nhất để đi đến thành công.
"Triết lý đào tạo của chúng tôi là Chất lượng - Hiệu quả - Nâng tầm - Hội nhập. Đã đào tạo thì phải đảm bảo những sinh viên tốt nghiệp đạt chất lượng học tập và nghề nghiệp phải tốt nhất. Khi đã có chất lượng nhưng chúng ta không tính đến mục tiêu thì chất lượng đó rất khó hữu ích cho các em và cho xã hội. Do đó, đã đào tạo nghề là phải tính đến hiệu quả của việc làm đó. Khi đã có chất lượng, hiệu quả tốt rồi, chúng ta không được phép tự mãn với nó mà còn tiếp tục nâng tầm nó lên theo mục tiêu, kế hoạch mà nhà trường đề ra. Không nâng tầm tức là chúng ta đã bằng lòng với kết quả hiện tại. Xã hội không ngừng vận động và tiến lên phía trước. Hiện tại, một ngày không phải được tính bằng 24h nữa. Với tốc độ phát triển nhanh hơn vũ bão ngày nay, công nghệ, máy móc có thể giải quyết công việc của cả tháng, cả năm chỉ trong một vài giờ. Không tiến lên ắt là bị đẩy lùi lại sau. Cho nên phải liên tục nâng tầm chất lượng, hiệu quả để thích ứng với xã hội.
Không ai có sẵn trong tay cây gậy thần kì để biến hóa ra tất cả mọi thứ chúng ta cần. Vậy chúng ta nếu không hội nhập sâu rộng với xu thế thời đại, không bắt tay với bè bạn và tìm kiếm nguồn lực từ xung quanh thì một mình chúng ta không thể làm được".
Một trong những nguồn lực chính của trường nghề chính là doanh nghiệp. Phân tích và nhìn nhận tầm quan trọng của nguồn lực này, nhà trường đã được xác định tập trung khai thác nguồn lực từ DN. "Chúng ta đào tạo lao động để làm gì? Chính là để cho DN sử dụng nhằm tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Vậy chúng ta không thể đào tạo cái mà nhà trường có sẵn? Mô hình đào tạo, giáo viên, giáo trình, nguồn vốn... của nhà trường luôn có hạn, thậm chí đã lạc hậu. Nhưng DN luôn có công việc, máy móc thiết bị, công nghệ... thậm chí cả giáo viên tại chỗ và kĩ thuật viên để hướng dẫn, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành. Học nghề mà không thực hành trên 50% thời lượng học thì không thể làm nghề được. Câu chuyện sinh viên ra trường không thạo nghề, không xin được việc, hoặc có xin được việc cũng phải tập sự 1-2 năm, thậm chí phải đào tạo lại... đã rất nhiều và kéo dài quá lâu".
Phân tích nhu cầu của DN, thầy Ngọc cho rằng muốn đào tạo lao động cho DN thì phải xuất phát từ chính nhu cầu của DN. "DN cần gì ở lao động, chúng ta cung cấp cái đó. Cái chúng ta chưa có mà họ vẫn cần, chúng ta hợp tác với họ để họ cung cấp cho chúng ta, phối hợp với chúng ta để thực hiện. Cái mà họ chưa có, ta không có, chúng ta dựa vào nhu cầu đó, tìm kiếm nguồn lực ở nhiều phía khác. Đó chính là hội nhập. Hội nhập sẽ giúp chúng ta có nhiều nguồn lực hơn, đem lại nhiều cơ hội hơn cho sinh viên và nhà trường".
![]() |
NGƯT-Hiệu trưởng HCEM - TS Đồng Văn Ngọc tại buổi giao lưu cùng các sinh viên khởi nghiệp cùng doanh nghiệp. |
“Chúng tôi luôn cam kết với các sinh viên của mình “Giới thiệu việc làm tới từng sinh viên. Không để ai không có việc làm trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp”. Vì cam kết đó, tôi có một cam kết thứ hai cho hai phía đối tác (sinh viên và DN): Chỉ đào tạo những gì DN cần”, thầy Ngọc khẳng định.
Cũng theo thầy Ngọc, muốn hợp tác với DN, NT phải trả lời được mấy câu hỏi sau:
Thứ nhất, anh đem lại cho họ lợi ích gì? DN là đơn vị sản xuất phải hạch toán kinh tế trong thời gian hạn định. Không có lợi ích thì họ không thể làm.
Thứ hai, hợp tác phải có tính cập nhật. DN luôn thay đổi mô hình quản trị, công nghệ sản xuất theo thời cuộc. Hiện nay các DN đang chuyển đổi mạnh sang sử dụng công nghệ, trang thiết bị thế hệ thứ tư: Robot, trí tuệ nhân tạo, hệ thống quản trị thông minh... Đến cả những công việc ngỡ là chỉ thuần túy tay chân như cắt gọt kim loại, cơ khí, hàn... cũng đang được máy móc hóa, tự động hóa nhanh chóng. Người lao động đứng trong phòng lạnh, điều khiển hệ thống máy móc tự động theo lập trình. Nếu nhà trường cứ đem những gì mình có ra “bán”, không chịu nâng cấp chương trình đào tạo, giáo viên, trang thiết bị... phù hợp với thời đại thì hai bên sẽ không gặp được nhau. “Sản phẩm” nhà trường tạo ra sẽ trở thành dư thừa, không những tốn kém, lãng phí mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Thứ ba, nhà trường không thể chỉ đào tạo đặt hàng cho một vài DN mà vẫn phải có phần lớn đào tạo chung để sinh viên đáp ứng được đa vị trí việc làm, phục vụ cho nhiều DN có cùng loại nhu cầu. Muốn vậy nhà trường phải tiếp xúc mở rộng với nhiều DN hơn. Anh có 1500 sinh viên nếu như đòi hỏi tất cả đều có địa chỉ DN đặt hàng là việc không tưởng. Chúng ta chỉ tính tối đa số yêu cầu sinh viên có thể đáp ứng được.
Nhà trường cũng không thể chạy theo một vài DN theo kiểu đối tác cần gì tôi chỉ đào tạo cái đó. Bởi nhà trường cần một mô hình ổn định và linh hoạt. Đào tạo ngắn hạn chỉ mang tính thời vụ. Nếu thoát ly được tính thời vụ ngắn hạn thì tính rủi do sẽ giảm đi.
Hướng tới phân khúc thị trường lao động chất lượng cao
Trong số các DN tìm đến hợp tác đào tạo và cung ứng lao động với trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội HCEM đang ngày một có nhiều đơn vị là DN lớn trong nước và DN FDI.
Hiện nay, theo phân tích của Hiệu trưởng trường CĐCĐ Hà Nội HCEM, nhu cầu lao động chất lượng cao ngày càng lớn do nhu cầu phát triển ủa toàn xã hội, do cuộc CMCN 4/0 mang lại và do DN nước ngoài ngày càng tìm đến Việt Nam nhiều hơn. “Chúng ta đang bỏ ngỏ thị trường lao động này. Con số lao động chất lượng cao qua đào tạo lọt được vào danh sách nhà tuyển dụng hiện đang rất thấp. Theo những số liệu thống kê, chúng ta đáp ứng chưa tới 25% nhu cầu này. Trong khi lao động không qua đào tạo của chúng ta đang rất lớn, chiếm khoảng 75%. Những công việc mang tính tay chân ngày càng hạn chế, hiệu qủa thấp và thu nhập rất bấp bênh. Nếu không chủ động chiếm lĩnh thị tường lao động chất lượng cao này, DN sẽ phải nhập khẩu lao động từ nước ngoài. Chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà, đứng ngoài cuộc chơi”, thầy Ngọc chia sẻ.
![]() |
Sinh viên trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội HCEM nhận Bằng khen tại Lễ vinh danh các thí sinh đạt thành tích xuất sắc tại Kì thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới. |
Là một trường cơ sở GDNN thuộc top của đầu miền Bắc, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã xác định cho mình hướng đi đúng đắn là nhập cuộc quyết liệt và hướng tới cung cấp nguồn lao động cao cấp cho thị trường Việt.
"Các doanh nghiệp FDI đang cần rất nhiều nhân lực có trình độ cao đẳng trở xuống (trên 70%) bao gồm cao đẳng nghề, trung cấp và thấp hơn. Các trường đại học không dạy kĩ năng nghề nhiều do thời lượng thực hành ít, trừ một số chuyên ngành đặc biệt.
“Muốn trở thành đối tác cung ứng lao động của các DN lớn thì nhà trường luôn phải cập nhật. Nguồn lực phải lớn thì mới có thể quyết định được quá trình hợp tác này. Nhưng nguồn lực chúng ta lấy từ đâu? Một số lĩnh vực quan trọng sẽ được nhà nước đầu tư. Nhà nước cần phải đầu tư rất lớn để các trường, cơ sở GDNN có năng lực tốt thích ứng được với thị trường. Chúng ta không thể bỏ ngỏ thị tường lao động mà DN đang rất cần này", thầy Ngọc nhận định.
Đối với lĩnh vực nhà nước không đầu tư hoặc nguồn lực chưa đủ thì nhà trường phải linh hoạt vận dụng các nguồn lực xã hội (xã hội hóa). Nhà trường phải xây dựng được những đối tác “ruột”, sẵn sàng kết nối và chia sẻ. Cái gì nhà trường chưa có, DN sẽ đảm nhận. DN có thời gian, chuyên gia, máy móc thiết bị... còn dôi dư thì cho nhà trường mượn. Nếu họ đang vào vụ sản xuất thì chúng ta cũng phải có sẵn nguồn lực hoặc có những phương án khác, đối tác khác cùng loại để linh hoạt chọn lựa. Nhưng nhà trường không thể phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình đào tạo của một vài DN. Như thế là tự làm khó mình. Quá trình đào tạo sẽ thiếu bài bản, thiếu qui chuẩn. Nhà trường nên tạo ra các Trung tâm Đào tạo chất lượng cao. Đặc biệt khi Việt nam hướng tới các công xưởng sản xuất máy móc. Nếu không, sẽ không có sản phẩm lao động chất lượng cao cung cấp cho thị trường.
HCEM đã và đang xây dựng được một TTĐT chất lượng cao như TTĐT hợp tác với Toyota trong lĩnh vực Công nghệ ô tô... Nhà trường cũng đào tạo ra giáo viên dạy nghề đáp ứng được yêu cầu của các chương trình hợp tác đào tạo nghề quốc tế. Nhiều thế hệ sinh viên của nhà trường tham giai thi đấu các kỳ thi kĩ năng nghề trong nước, Châu Á và quốc tế... đem lại thành tích cao. Hàng năm, nhiều sinh viên của trường trúng tuyển trong các đợt tuyển dụng lao động quốc tế đi Anh, Úc, Đức, Nhật Bản... Đây chính là nền tảng quan trọng để trường để đạt được mục tiêu chiếm lĩnh thị trường lao động trong nước mà nhà trường đang hướng tới. |