Ngày 31/5, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội HCEM tổ chức ngày hội việc làm nhằm kết nối doanh nghiệp và các sinh viên ngành Công nghệ ô tô tại Cơ sở 3 (Xuân Hòa, Vĩnh Phúc).
![]() |
Đông đảo sinh viên ngành Công nghệ ô tô, khoa Động Lực, trường CĐ Cơ điện Hà Nội đến phiên giao dịch việc làm, tiếp xúc doanh nghiệp do Nhà trường tổ chức |
Tới dự có hàng trăm sinh viên các khóa ngành Công nghệ ô tô cùng các giảng viên và 7 doanh nghiệp ô tô lớn đang hoạt động trong nước ta như Toyota, Trường Hải Auto (Thaco), Tân Phát...
Các sinh viên ngành CN ô tô của CĐ Cơ điện Hà Nội đã hoàn thành khóa học đều được trao Giấy chứng nhận tốt nghiệp và tiếp xúc với các doanh nghiệp ngay tại buổi lễ tốt nghiệp.
NGƯT- Bí thư Đảng Ủy- Hiệu trưởng nhà trường Đồng Văn Ngọc cho biết, đây là đợt tuyển dụng đầu tiên của năm 2022 của trường CĐ Cơ điện Hà Nội. Nhà trường sẽ tổ chức hàng chục đợt tuyển dụng, giới thiệu việc làm tới các sinh viên trong năm nay. Các doanh nghiệp (DN) theo thứ tự từ lớn đến vừa và nhỏ sẽ lần lượt được mời đến để tìm hiểu và tuyển dụng sinh viên. Như vậy, các em sinh viên sẽ được tiếp xúc, lựa chọn có cơ hội ngồi với doanh nghiệp lâu hơn, hai bên hiểu nhau sâu hơn. DN sẽ khảo nghiệm kiến thức kĩ năng, tinh thần thái độ của sinh viên từ đó lựa chọn ra những ứng viên phù hợp nhất với công ty của mình và từng vị trí việc làm.
![]() |
NGƯT- Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc mong muốn DN sẽ tìm thấy những ứng viên cho công ty của mình trong phiên giáo dịch này |
“Đây là cách làm đổi mới của nhà trường và sẽ bắt đầu thực hiện từ năm nay. Trong điều kiện cầu lớn hơn cung, chúng tôi chỉ có thể làm vậy. Nếu các sinh viên đã tìm được cho mình việc làm phù hợp tại các DN lớn thì đó là may mắn. Nếu không, các em sẽ chờ đến những phiên giao dịch tiếp theo. Trừ những em gia đình có sẵn DN thì không nói, các em còn lại có thể được giới thiệu cho các đại lý, cửa hàng sửa chữa, garage nhỏ... Tùy thuộc vào năng lực của các em và nhu cầu của DN. Nhà trường thực hiện trách nhiệm của mình đã ký cam kết với từng sinh viên trước khi các em nhập học là đảm bảo các em có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp”, thầy Đồng Văn Ngọc cho biết.
Rất nhiều sinh viên khóa này đã từng đến thực tập ở các doanh nghiệp lớn như Toyota, Thaco, Tân Phát... Và hôm nay, các em được chính thức nói chuyện về hợp đồng lao động, thương thảo chế độ làm việc và hưởng lương. Một số em sau khi thực tập xong không có nguyện vọng tiếp tục làm việc ở nơi mình đã thực tập thì đây là cơ hội chuyển đổi và trải nghiệm của các em.
Một số DN cho biết, họ có nhu cầu tuyển dụng sinh viên quê ở các tỉnh khác như Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Nông... cho đại lý và công ty của họ ở nơi đó. Nhà trường đã tạo điều kiện để những DN này cũng được tiếp xúc với các sinh viên quê ở tỉnh đó để phỏng vấn và tuyển dụng. Cách làm này cũng rất mới mẻ vì cả ba bên đều có lợi. Nhà trường thực hiện trọn vẹn được cam kết của mình. DN tuyển dụng được lao động phù hợp với nhu cầu. Đáng quý nhất là những sinh viên có nhu cầu quay về phục vụ trên quê hương, nơi mà nếu tự thân họ rất khó có thể tiếp cận và tìm kiếm việc làm như mong muốn.
![]() |
Đại diện doanh nghiệp chúc mừng thầy cô, sinh viên và nhà trường đã hoàn thành tốt khóa học và giới thiệu các vị tri việc làm DN đang cần |
Bà Phạm Thị Giang, Đại diện cho Thaco (Trường Hải Auto) Đông Bắc nói, bà rất cảm ơn trường Cao đẳng Cơ điện Hà nội đã tạo điều kiện cho DN đến gặp gỡ và tư vấn việc làm cho sinh viên. Bà Giang mong các em sẽ tìm thấy cơ hội hợp tác với các Đại lý và chi nhánh của Thaco. Bà Giang cũng giới thiệu các nhu cầu của công ty mình cần các vị trí việc làm ở phòng kinh doanh xe, tư vấn viên bán hàng xe ô tô và xe buýt, chuyên viên sản phẩm, chuyên viên nghiên cứu thị trường, chuyên viên maketinh. “Cơ hội việc làm là rất đa dạng, có nghiệp vụ kinh doanh, có nghiệp vụ kĩ thuật cơ bản. Các em đã được đào tạo bài bản và chuyên sâu về kĩ thuật các loại xe, các em hoàn toàn có thể hỗ trợ chúng tôi trong công tác bán hàng, các dịch vụ về xe, dịch vụ phụ tùng, kho... Hơn ai hết, chính sinh viên là những người hiểu rõ về kĩ thuật để có thể đảm nhận các vị trí đó. Các em không nhất thiết phải có nghiệp vụ quản trị kinh doanh hay maketinh mà quan trọng là các em hiểu về Công nghệ ô tô. Theo kế hoạch sản xuất của chúng tôi thì trong 6 tháng cuối năm công ty đang tăng cường lực lượng để mở rộng thị trường Hà Nội và một số tỉnh. Chúng tôi nhận ra nhiều gương mặt thân quen đã từng làm việc với chúng tôi trong thời gian thực tập. Chào đón các em quay trở lại để đồng hành cùng chúng tôi”, bà Giang nói. Bà Giang hứa hẹn sẽ có buổi tư vấn chuyên sâu tại doanh nghiệp.
Ông Trần Đức Đại, đại diện Toyota Thái Hòa- Từ Liêm cho biết, là một chi nhánh của Toyota Thăng Long, ông đến để tư vấn cho các sinh viên về nhu cầu nhân sự cho việc mở rộng kinh doanh ra khu vực xung quanh. “Chúng tôi đang cần 10-25 nhân sự phục vụ sửa chữa chung và kỹ thuật đồng sơn”. Ông Đại hy vọng sẽ tìm được số nhân sự cần trong buổi tuyển dụng này.
Thầy Hiệu Trưởng Đồng Văn Ngọc cho biết hiện tại nhà trường đang đào tạo xấp xỉ 1200 sinh viên ngành công nghệ ô tô cho 3 khóa. Các sinh viên theo học 3 năm nhưng chỉ học lý thuyết 5 tháng còn lại thời gian 2 năm rưỡi là thực hành tại nhà xưởng hiện đại của trường và thực tập tại DN. Các em đang được đào tạo theo hai chương trình của Vinfast và của Toyota Nhật bản chuyển giao chương trình. Các giảng viên đều phải qua thực hành tại xưởng của DN, được DN hướng dẫn, đánh giá, chứng nhận mới được giảng dạy cho sinh viên. Khi các sinh viên đến DN sẽ được bố trí các kỹ thuật viên tại chỗ của DN hướng dẫn, đánh giá. Khi tốt nghiệp, các em được nhận cả Bằng Tốt nghiệp(nhà trường cấp) và chứng chỉ nghề nghiệp của DN cấp. Tất cả các sinh viên đều được giới thiệu việc làm. Sau 1 năm làm việc do nhà trường giới thiệu, nếu các em không thấy thích hợp mới tự tìm đến DN khác để ứng tuyển.
![]() |
DN và sinh viên gặp gỡ, đối thoại và tìm hiểu các vị trí việc làm |
Ông Ngọc bày tỏ mong muốn nhận được đánh giá phản hồi từ phía các DN để nhà trường rút kinh nghiệm trong quá trình đào tạo sao cho phù hợp nhất, tốt nhất “Đào tạo theo nhu cầu DN là phương châm của nhà trường chúng tôi, không phải đào tạo theo những gì nhà trường có. Và các sinh viên của chúng tôi cũng chỉ học những gì doanh nghiệp cần. Đây cũng là biện pháp hiệu quả để không phải bàn đến câu chuyện đào tạo lại. Khi hai bên DN và nhà trường chưa gặp nhau, chưa nói được với nhau thì không thể biết được DN cần gì, muốn gì ở sinh viên chúng tôi mà đào tạo cho đúng”.
Ông Ngọc cũng tỏ mong muốn các DN nếu có nguồn lực thì đóng góp cho nhà trường để đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp các sinh viên được học tập tốt hơn, thành thạo hơn, tạo những "sản phẩm đầu ra" tốt nhất phục vụ lại cho doanh nghiệp.