![]() |
Hiện trường của vụ tai nạn đạp nhầm chân phanh và chân ga hôm 5/4 vừa qua. |
Vào năm 2019, Nhật Bản ghi nhận 6.700 vụ tai nạn, 37 người chết và hơn 9.500 người bị thương có liên quan tới lỗi nhầm chân ga và chân phanh. Tại nước ta cũng có không ít vụ tai nạn đáng tiếc xuất phát từ nguyên nhân này.
Các vụ tai nạn do đạp nhầm chân ga và chân phanh thực tế không hề hiếm gặp tại Việt Nam. Theo Cơ quan An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), mỗi năm có 16.000 vụ tai nạn liên quan tới vấn đề này. Nhóm đối tượng người lái dưới 20 tuổi và trên 65 tuổi rất dễ nhầm ga/phanh.
Tại sao tài xế nhầm chân ga và chân phanh?
Lỗi đạp nhầm chân ga và chân phanh có thể xảy ra với người lái cả ô tô số sàn và số tự động. Nhưng tình trạng xe vọt nhanh, mất kiểm soát chủ yếu xuất hiện ở những người lái xe số tự động. Bởi vì xe số sàn có chân côn, thao tác đạp phanh thường được thực hiện đồng thời cùng đạp côn nên nếu nhầm lẫn thì động cơ rú lên chứ xe không di chuyển.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lỗi này là do tâm lý hoảng loạn, mất bình tĩnh của người lái khi gặp phải các tình huống bất ngờ. Đây được xem là các phản xạ ngoài ý muốn - cụ thể là đạp nhầm chân ga và chân phanh.
Khi rơi vào trạng thái bất ngờ, không ít người thường đạp nhầm ga và phanh, đặc biệt khi đi xe lạ hay từ xe số sàn sang số tự động và ngược lại. Tỉ lệ xảy ra nhầm lẫn thường thuận với kinh nghiệm cầm lái cũng như thói quen tuân thủ các nguyên tắc an toàn của tài xế.
Bên cạnh đó. tư thế ngồi lái xe và để chân chưa đúng cũng gây nhầm ga/phanh. Chẳng hạn như để chân trái lên phanh, chân phải lên ga hay đặt gót chân thẳng với bàn đạp ga.
Để số D và giữ chân phanh khi xe dừng tạm thời cũng được xem là nguyên nhân phổ biến dẫn tới lỗi ga/phanh. Hoặc một số tình huống, người lái có thể lơ đãng nhả phanh, khiến xe bất ngờ trôi đi, đây là nguyên nhân gây mất bình tĩnh và xử lý sai.
Hiện tượng đạp nhầm ga/phanh có thể xảy ra do người lái mang giày, dép không phù hợp như giày cao gót, giày đế cứng, dép xỏ ngón, chân trần, hay do người lái có tâm lý yếu, phản xạ kém do tuổi tác hoặc đang có chất kích thích trong cơ thể như ma túy, rượu, bia…
![]() |
Việc đi giày dép không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến tài xế đạp nhầm chân ga. |
Những điều cần lưu ý để tránh nhầm ga/phanh
Thói quen tốt giúp người lái tránh mắc lỗi ga/phanh là luon ghi nhớ câu “rời chân ga – rà chân phanh”.
Người lái cần tuân thủ nguyên tắc không rời gót chân phải khỏi sàn xe, cố gắng chỉ xoay gót chân phải để điều khiển ga/phanh và nhanh chóng chuyển sang rà phanh mỗi khi bỏ chân ga.
Người lái cần luôn đặt gót chân phải thẳng hoặc gần với bàn đạp phanh để đảm bảo khi phanh thì bàn chân nằm ở tư thế tự nhiên thuận tiện nhất.
Người lái cũng cần lưu ý lựa chọn loại giày dép phù hợp, thoải mái, không sử dụng chất kích thích, không uống rượu bia cũng như không dùng điện thoại khi đang lái xe.
Có những nguyên tắc cầm lái rất quan trọng nhưng hay bị lơ là. Đối với giáo viên dạy lái xe “có tâm” thường sẽ hướng dẫn học viên mới đầy đủ, thay vì chỉ tập trung vào những “mẹo” để thi đỗ giấy phép lái xe.
Cần đảm bảo những nguyên tắc an toàn này (cách cầm vô lăng, cách chuyển chân, thói quen về số khi xe dừng...) sẽ giúp hạn chế rủi ro khi có sự cố. Nhưng nhiều lái mới thường chủ quan không ghi nhớ và rèn luyện.
Không ít người lái cũng chủ quan cho rằng công nghệ an toàn có thể ngăn chặn tất cả rủi ro. Cần chú ỳ điều này không đúng vì công nghệ an toàn chỉ giúp gia tăng sự may mắn trong nguy cơ, thực tế không phải lớp áo giáp bất khả xâm phạm./.