Sáng 21/08/2018, tại Tọa đàm trực tuyến “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức, ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu lên thực tế ông quan sát thấy khi sang Malaysia là lao động Việt Nam ở đây làm việc nghiêm túc và luôn ý thức phải hoàn thành nhiệm vụ mới được nghỉ ngơi.
|
Trong khi đó nếu ở trong nước, lao động có thể chơi, lấy điện thoại ra giải trí ngay trong giờ làm việc. Vì vậy ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng trong những nhiệm vụ mà cả nước cùng nỗ lực, riêng tổ chức công đoàn phải nỗ lực cao hơn, đó là nâng cao ý thức cho người lao động về tinh thần, thái độ làm việc, kỷ luật lao động, trách nhiệm đối với công việc và doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến của ông Ngọ Duy Hiểu, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra nghịch lý người Việt Nam vào môi trường công nghiệp thì thành công nhân chuyên nghiệp, nhưng ở Việt Nam thì vẫn mang thói quen sản xuất nhỏ, tiểu nông.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, đó là bởi người lao động hay có thói quen trình bày hoàn cảnh và xin thông cảm, bỏ qua mỗi khi vi phạm. Nếu cấp quản lý là người nước ngoài xa lạ sẽ giúp cải thiện đáng kể kỷ luật và hiệu quả lao động.
TS. Kiên dẫn chứng Tập đoàn Tân Hiệp Phát như là một trong những doanh nghiệp làm tốt công tác quản trị nội bộ. Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn theo đuổi mô hình quản trị gia đình thì Tân Hiệp Phát đã mạnh dạn thuê nhân sự cấp cao người nước ngoài giữ các vị trí quản lý, qua đó không chỉ tận dụng được năng lực, chất xám của nhân sự nước ngoài mà còn nâng cao năng suất lao động của nhân sự trong nước.
|
Bên cạnh việc sử dụng nhân sự cấp cao nước ngoài, Tân Hiệp Phát còn đi thẳng vào ứng dụng công nghệ tiên tiến ngay. Công nghệ sản xuất của Tân Hiệp Phát hiện tương đương với các nước phát triển, điều này cũng giúp nâng cao năng suất của người lao động.
Theo TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, năng suất lao động là nhân tố rất quan trọng đóng góp vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Cụ thể theo TS Lưu Bích Hồ, nhóm 7 chỉ tiêu định lượng để đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia bao gồm: Năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận và doanh thu, lợi nhuận trên vốn, tỷ lệ hoàn vốn, tốc độ đổi mới công nghệ, giá thành sản phẩm và cuối cùng là thị phần.
Nhóm yếu tố định tính bao gồm: chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực, trình độ công nghệ và hoạt động nghiên cứu phát triển, thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp; và tác động của hoạt động doanh nghiệp với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường..
Số liệu thống kê cho thấy, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành ước đạt 92,1 triệu đồng, tương đương khoảng 4.100 USD/lao động, tăng 5,9% so với năm 2016, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,5% giai đoạn 2011-2016 và cao hơn nhiều so với mức tăng 3,45%/năm giai đoạn 2006-2010. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và bằng 56,7% năng suất lao động của Philippines. |