Thực trạng tiếng Việt của các con em Việt Nam trên đất Ukraina
Tính từ năm 1980 khi Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô được ký kết, đã có hơn 200 ngàn công nhân Việt Nam sang làm việc tại nước Nga và các nước Cộng hòa.
Tại Ukraina, công nhân Việt Nam làm việc ở các thành phố lớn như Kiev, Kharkov, Odessa, Zhitomir, Kherson… lên tới hơn hai chục ngàn người.
Sau khi Liên Xô tan rã, một phần trong số họ đã về nước, số còn lại bám trụ mưu sinh, chủ yếu bằng con đường kinh doanh tại các chợ và các Trung tâm thương mại.
|
Cho đến nay, đã có ba thế hệ người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập tại Cộng hòa Ukraina, trừ thế hệ thứ nhất và thứ hai, các cháu thế hệ thứ ba sinh ra trên nước bạn, khả năng tiếng Việt rất hạn chế, không chỉ khả năng văn tự, mà ngay cả vấn đề giao tiếp cũng gặp nhiều khó khăn.
Đó là điều rất dễ hiểu, vì các cháu ngay từ bé đã đi nhà trẻ, học phổ thông, chỉ tiếp xúc với thầy giáo, cô giáo của bạn và sinh hoạt chung chỉ dùng tiếng Ukraina. Một số gia đình của các cháu cũng đã cố gắng động viên, dạy bảo các cháu học tiếng Việt, nhưng vì thời gian cùng học, cùng tiếp xúc với các cháu quá ít, nên hiệu quả rất thấp. Một số gia đình cũng đầu tư mời gia sư tiếng Việt, nhưng một phần vì trình độ chuyên môn gia sư trong phạm vi này hạn chế, giờ học các cháu không phù hợp với việc học thêm, nên có rất nhiều khó khăn đối với các thầy trò.
Nếu tình trạng này tiếp diễn, thì có lẽ một thời gian không xa, đại đa số các cháu Việt Nam ở Ukraina sẽ mai một tiếng mẹ đẻ, và tiếng Việt trở thành một ngoại ngữ.
Từng quá xa vời một lớp tiếng Việt ở Ukraina
Trong bối cảnh đó, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều cuộc Hội thảo về vấn đề giảng dạy tiếng Việt cho con kiều bào trên thế giới.
Ủy ban nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã mời các giáo viên chuyên ngành của Khoa tiếng Việt Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội lên lớp đào tạo, tập huấn cho nhiều giáo viên từ nước ngoài về, trong đó có giáo viên từ Ukraina.
|
Ở các nước như Balan, Cộng hòa Sec, đặc biệt là ở Mỹ, các lớp dạy tiếng Việt mở ra được duy trì và phát triển. Các lớp tiếng Việt ở đó ngoài giáo trình chung thống nhất soạn từ Hà Nội, họ còn bổ sung một số chương, một số bài cho phù hợp với trình độ và thực tế của các cháu ở địa phương.
Nhưng ở Ukraina mặc dù đã có nhiều cố gắng xây dựng lớp tiếng Việt tại các thành phố có đông người Việt, có làng người Việt, nhưng do nhiều biến động xã hội, do sự di chuyển nơi cư trú, nơi làm việc của một bộ phận lớn người Việt, nên rất khó duy trì. Việc có một lớp tiếng Việt ổn định, có một bộ giáo trình chuẩn, có những cô giáo chuyên tâm, vẫn còn quá xa vời.
Ước mơ đã thành hiện thực
Trường Phổ thông số 251 tại thủ đô Kiev được thành lập ngày 2-9-1985 nhân kỷ niệm 40 năm Quốc khánh Việt Nam. Vào tháng 12 năm 1985, trường phổ thông số 251 đã trở thành thành viên đầu tiên của Hội hữu nghị Ukraina – Việt Nam.
Vào tháng 1 năm 1990, trường được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người. Đây là ngôi trường duy nhất ở Ukraina được vinh dự mang tên vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam.
Vào tháng 5 năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký sắc lệnh trao tặng “Huân chương Hữu nghị” cho tập thể giáo viên nhà trường.
|
Đại sứ quán, Hội người Việt Nam thường tổ chức các ngày lễ truyền thống tại đây như: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, tổ chức các buổi Hội thảo nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây cũng là nơi đón tiếp các đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm Cộng hòa Ukraina.
Đặc biệt, ngôi trường có Phòng Bảo tàng Hồ Chí Minh – nơi lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh về Bác Hồ và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Bà Burdina Katerina Mikolaivina – người quản lý, bảo quản phòng Bảo tàng mấy chục năm nay cho biết, hiện tại, Bảo tàng đang trưng bày gần 900 hiện vật và tư liệu quý về Việt Nam, về quan hệ hợp tác Ukraine – Việt Nam và về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trăn trở với quyết tâm mở một lớp tiếng Việt cho con em kiều bào ở Ukraina, từ đầu năm 2021, sau khi vừa sang nhận công tác một thời gian, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch đã ký kết với nhà trường một thỏa thuận để con em người Việt được chính thức học tiếng Việt miễn phí tại đây.
Bà L.P.Sulga - Hiệu trưởng đã chấp thuận ý kiến của Đại sứ và bày tỏ nguyện vọng, muốn nơi này sẽ là nơi học tập ổn định cho các cháu học sinh người Việt. Nghĩa cử tốt đẹp của bà Hiệu trường đã góp phần củng cố niềm tin cho Đại sứ và các thành viên trong Ban tổ chức lớp dạy tiếng Việt.
Giáo trình “QUÊ VIỆT & TIẾNG VIỆT VUI” Đại sứ quán nhận được từ Ủy ban nhà nước và người Việt Nam ở nước ngoài đã dành tặng cho lớp tiếng Việt Trường Phổ thông số 251. Giáo viên đã sử dụng linh hoạt các bài học tự soạn từ sách Tiếng Việt của Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng với bộ “Tiếng Việt 123”, “Tiếng Việt cơ sở” và 2 bộ Giáo trình mới nhận để có được các bài học phù hợp, hiệu quả nhất cho các cháu.
Cô giáo Đỗ Thị Hoa Lý phụ trách lớp cho biết “Hiện tại, mỗi tuần có 3 tiết tiếng Việt sau giờ học chính khóa (mỗi tiết 45'). ĐSQ ký hợp đồng với nhà trường là 3 tiết/tuần nhưng giáo viên dạy thành 6 tiết vì những cháu nhỏ tan học sớm cô dạy trước, các cháu lớn hơn tan học sau nên cô dạy sau. Tuy ĐSQ nhất định không chịu trả thêm thù lao nhưng cô vẫn dạy các cháu rất nhiệt tình vì đó là niềm đam mê, hạnh phúc của cô”.
Hiện tại, trường có 13 em người Việt Nam, trong đó có 2 em bố Việt Nam mẹ Ukraina, 1 em người Ukraina theo học lớp tiếng Việt.
Đó là con số ban đầu rất khiêm tốn, nhưng nó vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. Nhờ sự giảng dạy nhiệt tình và có kinh nghiệm của cô giáo Đỗ Thị Hoa Lý và các cộng sự, các cháu học sinh đã nhanh chóng đọc nhanh, viết thạo và say mê học tiếng Việt.
|
Lớp tiếng Việt học trực tiếp là chủ yếu, nhưng trong các đợt kiểm dịch việc dạy và học linh hoạt chuyển sang theo hình thức trực tuyến.
Đại sứ Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch và bà Hiệu trưởng nhà trường Sulga Larisa Panchilevna theo dõi sát sao và đã rất hài lòng về quá trình hoạt động của lớp tiếng Việt trong thời gian qua.
Tin vui, sắp tới, trường Trường Phổ thông số 251 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ ký thoả thuận kết nghĩa với một trường phổ thông tại Hà Nội.
Nguyễn Thùy Dương
(Từ Ukraina)