![]() |
Gần một thế kỷ bên nhau |
Gốc gác dòng họ nội ngoại của ông bà làm nghề giáo, ban cho dân lành chữ nghĩa. Sẵn có lưng chữ nên con cháu đều được học hành đủ cấp, rồi vào đại học. Bến đò Chủ Chè và Ga Chí Chủ với những chuyến tàu xuôi ngược, đưa đón những người con của dòng họ Hà đất Đông Phú đi về tỉnh lỵ Phú Thọ học chữ. Thời Pháp thuộc, trung tâm của quê hượng Đất Tổ là thị xã Phú Thọ. Thị xã có ga hỏa xa, có bệnh viện, chợ, bốt cai, sân bay... Trường học cũng nhiều. Cái trường Cấp 3 Hùng Vương nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX, trở thành thương hiệu trường Chuyên, Đại học sau này. Nơi đây chắp chữ cho khối tài danh của đất nước.
Hàng tháng, cụ bà gồng gánh đôi mủng thúng đầy gạo xuôi tàu nuôi chồng ăn học. Cho đến tận khi cụ ông vào đại học, cụ bà vẫn gồng gánh nuôi chồng ăn học. Dù đã thành vợ chồng, nhưng chưa một lần 2 cụ được nắm tay nhau, ngỏ lời yêu...
Mãi đến những năm cuối đại học, hai cụ mới chính thức sinh hạ được người con trai đầu. Lúc có bầu, cụ bà vẫn xung phong đi dân công hỏa tuyến phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ. Giải phóng Điện Biên xong ít tháng thì bà sinh bác Cả. Hai năm sau, cụ ông tốt nghiệp đại học, đi bộ từ Hà thành lên xứ đồng rừng mở trường, dạy chữ, rồi đưa cụ bà thoát ly gia đình, lập quê mới cho đến bây giờ. Rồi họ lần lượt sinh thêm 5 người con. Cả nhà, mỗi mình cụ bà đẹp gái nhất. Đến bữa, đàn con giai cứ như tằm ăn dỗi...
Hồi ấy, xứ đồng rừng ngút ngàn lim, nghiến, lau, sậy. Hươu, nai, hổ, báo, rắn rết đủ cả. Nơi rừng thiêng, nước độc, ông bà, con cái củ khoai, củ sắn nuôi nhau. Thằng lớn ẵm thằng bé, thế rồi tất cả đều lớn khôn từ xứ đồng rừng bằng tình yêu không nói thành lời của ông bà.
Những năm tháng lũ con thơ nheo nhóc cũng là thời gian cụ ông đi dạy học xa nhà, tháng đạp xe mấy chục cây số về thăm vợ con một lần. Một mình bà cai quản lũ con bằng cả yêu thương và roi vọt. Có lẽ vì thế mà sau này, các con dù lớn hay bé, trở thành ông nọ bà kìa, cứ hễ về đến cửa là cụ bà cất lời dạy bảo, xen lẫn cả chửi mắng. Mà rất lạ, cụ bà chửi "văn" lắm, đó là sau mỗi một câu chửi thề là bà đế tục ngữ, ca dao răn dạy. Kiểu như: "Tiên cha xư bố mày, đi đâu giờ mới về. Đi một ngày đàng học một sàng khôn con nhé!". Hoặc: "Cha bố mày! Nhìn mặt mà bắt hình rong. Chọn bạn mà chơi! Tao thấy thằng X mắt trắng dã, môi thâm sì, không hàng trộm cướp cũng hàng lẹo lươn"... Lũ con lớn lên, khôn ra cùng nhờ kho vốn chửi bằng tục ngữ, ca dao của bà...
![]() |
Niềm vui trước mùa xuân |
Các con lớn khôn, dựng vợ, gả chồng, sinh con, đẻ cái, cháu, chắt. Đến giờ, đại gia đình của ông bà có đến nửa trăm người. Đại đa số cháu con đều đại học. Con cháu của ông bà có mấy Phó Giáo sư, Tiến sĩ, và có đến gần 5 Tổ Đảng. Người tuổi Đảng cao nhất cũng gần 60 năm. Hồng phúc cho một gia đình có gấp đôi số "tam nam bất phú", đó là đứa con nào cũng tự lập, có bát ăn của để, chẳng thua kém ai trong xã hội. Cả 6 thằng con trai của ông bà đều lành lặn, học hành tử tế, đỗ đạt, biết kính trên, nhường dưới, điều này hiếm gia đình nào có được, nhất lại là ở xứ đồng rừng. Phúc Lộc lớn nhất mà tiên tổ ban cho họ chính là con chữ. Con chữ của con cháu được nuôi dưỡng từ tình yêu không nói thành lời của cụ kị, ông bà, bố mẹ...
Tình yêu của ông bà mênh mông như biển cả. Cũng vì thế mà ông bà có nhiều bạn "tồng" (bạn tồng, tiếng Tày là anh em kết nghĩa), con nuôi. Mà ông bà nuôi thật. Cái thời bao cấp khốn khó, chỉ sắn, bo bo, ấy vậy mà bữa nào đám con nuôi, trọ học cũng chờ ăn trực. Bà thương chúng, có gì cho ăn nấy. Giờ chúng lớn khôn, bay đi hết cả. Có đứa lễ tết vẫn dắt ríu con cháu về thăm ông bà. Tình yêu của ông bà là vậy.
Bà là người mẹ vĩ đại nhất trong những người mẹ vĩ đại. Cả đời chỉ lo cho chồng con, cháu chắt. Lo từ trẻ cho đến ngót nghét trăm tuổi bây giờ. Chỉ mỗi chuyện chồng con đau yếu, bà lắng lo tìm đủ thứ thuộc trong vườn chạy chữa. Cũng vì thế mà con cháu học được nhiều bài thuốc "gia truyền" mà bà truyền kíp. Chẳng đứa con nào của bà lại không biết đến mùi ngải tía, sài đất, kinh giới, tía tô, cỏ nhọ nồi, hương lá chanh, bưởi, sả, bồ kết... từ đôi tay của mẹ mỗi khi mình trở trời, trái gió được mẹ xông gội, sắc cho uống... Tình yêu của Bà là vậy.
Ông là người bố vĩ đại. Cả đời ông cam khổ, lặn lội công to việc lớn để nuôi dưỡng gia đình nhỏ ngót một thế kỷ qua. Ông chỉ biết lặng lẽ dõi theo sự luyện rèn, lớn lên, thành đạt của cháu con. Niềm vui để bụng, nỗi buồn vứt lại phía sau. Có lần nghe ông kể trong nước mắt (hiếm khi thấy ông rơi nước mắt). Ông bảo, nhục nhất là hồi mới vào đại học thì bị xã gọi về, quy là con địa chủ. Ông bị mấy đứa cùng đinh (giọng của ông chỉ mấy người hạng đầu đường xó chợ được giao việc lúc đó) bắt đưa ra đấu tố, đánh chửi, bắt đi dọn phân trâu, bò ở chợ Me, thôn Đông Viên, xã Đông Phú (thị trấn Sông Thao, Cẩm Khê, Phú Thọ bây giờ). Đọc lại cuốn "Ác mộng" của Ngọc Bội (nhà văn quê gốc Cẩm Khê, Phú Thọ), thấy hình ảnh của những người như ông hồi ấy trong áng văn. Ông lặng đi hồi lâu, rồi bảo: Biết ơn Cụ Hồ và Đảng nhiều lắm, đã kịp thời sửa sai cái đận Cải cách ruộng đất, chứ không thì cả dòng họ nhà ông đã bị oan sai, chết dưới tay đám cùng đinh thất học.
Thực ra, gia đình của ông lúc đó chỉ nuôi người trọ học chữ (con cái nhà địa chủ gửi học). Họ cũng phải cày cấy, làm lụng. Kẻ xấu xúi rằng nhà ông bà là địa chủ, nuôi người ở. Tài sản duy nhất của gia đình ông bà lúc đó là một nếp nhà lợp cọ, một con trâu và mấy chum tương. Tài sản lớn nhất của họ vẫn là chữ nghĩa... Sau sửa sai, ông lại được trở lại trường đại học. Ông bảo, bạn cùng khóa đứa nào cũng con nhà Nho học, chữ nghĩa cả.
Sau này, nhiều bạn học của ông tốt nghiệp, họ ở lại chốn Hà thành, trở thành các Sử gia nổi tiếng của đất nước. Còn ông, ở xứ đồng rừng, những người yêu chữ chẳng ai lạ gì tên tuổi. Nhiều thế hệ học trò của ông sau thành ông nọ, bà kia, có người là Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh lỵ. Lễ Tết họ vẫn về thăm hỏi thầy cô của mình... Ông tự hào về nghề dạy học ở xứ đồng rừng. Tình yêu của ông là vậy!
Tình yêu lớn nhất của ông bà luôn dành cho con cháu. Cho đến giờ, chưa đứa con nào bị một lần đòn roi, mắng chửi của ông. Hồi người anh cả trốn nhà đi bộ đội, sau mấy tháng huấn luyện đặc công, anh vào chiến trường. Lúc đó, ông mới được gặp lại con, xuống tiễn con ở Ga Hà Nội vào Nam chiến đấu. Một đêm hai cha con được ngủ cùng nhau. Chẳng biết họ nói với nhau được những gì, chỉ biết sau này, trong nhật ký của ông có bài thơ ngắn "Tiễn con đi bộ đội", đọc mới thấy tình yêu bao la của người cha là thế nào.
Sau cái đận đó, anh cả đi biền biệt khắp các chiến trường dọc Trung, Nam và sang đất nước Chùa Tháp cho đến ngày nước mình, nước bạn giải phóng. Còn nhở, vườn nhà hồi đó ông bà khai hoang, trồng bạt ngàn sắn, chuối. Cứ đến vụ chuối chín, bà bóc phơi khô, ngóng đợi bạn quân ngũ của anh cả về để gửi vào chiến trường cho con, kèm theo những lá thư ướt trong nhung nhớ. Chăng biết những lát chuối khô, lá thư có đến được tay con không, nhưng chắc bà cứ nghĩ vị ngọt quê nhà sẽ tiếp thêm nghị lực cho con, cho đồng đội của con vững tâm chiến đấu... Tình yêu của người mẹ là vậy!
Nhớ nhất là khi đất nước giải phóng, thống nhất, anh cả về phép sau thời gian dài đằng đẵng. Tối đó, anh về, gõ cửa. Không hiểu do đêm nào mẹ cũng thức ngóng chờ con hay linh tính của người mẹ mách bảo mà bà vội thốt lên: S về à con!. Rồi bà lập cập châm đèn, soi mở cửa. Anh cả bước vào nhà với nguyên hình bóng mũ tai bèo, ba lô con cóc, bộ quân phục... Nhìn anh thật đẹp, thật ngưỡng mộ... Giờ thì bà có 3 người con là sĩ quan quân đội... đã nghỉ hưu.
Những người con của ông bà sau này cũng được ông bà nuôi dưỡng bằng củ khoai, củ sắn, con tôm, con cá... để học hành tử tế. Hồi ấy, nhà ông bà như một ký túc xá, toàn học trò ở huyện xa về trọ học, góp gạo thổi cơm chung. Mỗi bữa, bà nấu cả nửa yến gạo trong chiếc nồi gang to tổ chảng. Đận mất mùa, tháng ba ngày tám, 3/4 nồi cơm là sắn, ngô độn. Lúc đó, ông có nghề tay trái là thả lưới bắt cả. Chẳng sông hồ nào ở xứ đồng rừng ông lạ. Âu cũng là chuyện mưu sinh, nuôi dưỡng cái con.
Không chỉ những người con, ngay cả những đứa cháu cũng vậy, đều được ông bà quan tâm. Hồi đứa cháu gái đầu tiên của ông bà đi thi đại học, đích thân ông đòi thay bố nó đưa về Hà Nội để thi. Ông dẫn nó đến cái trường xưa nơi ông học khóa đầu tiên, giới thiệu cho cháu biết về cái nôi đào tạo nghề giáo. Hà Hồng Nhung Hà. Cái đứa cháu gái xinh xắn, bẻn mép của ông bà giờ đã thành Tiến sĩ ngành Quản lý văn hóa. Nó về làm quản lý, giảng viên đúng ở cái nơi ông nội nó từng đứng trên bục giảng. Hà Thúy Mai . Ông bà có thằng cháu đích tôn dị nhân. Nó từng vào đại học và bỏ luôn ở kỳ học đầu tiên... Giờ trong giới IT đều biết đến nó với vai trò Boss, Leader của J2Team. Nhiều đứa tốt nghiệp đại học đang là quân của nó. Thu nhập của nó hơn hẳn cái lương còm của ông chú PGS,TS. Mấy đứa cháu gái khác thì bôn ba du học trời Tây, dù bố mẹ chúng chẳng phải đại gia hay quan gì to tát. Bố mẹ chúng chỉ có mỗi tình yêu và con chữ.
Sau này con cháu trưởng thành, ông bà vẫn lo lắng, lúc nào cũng hỏi chuyện ăn mặc. Ngày lễ tết, biết con cháu đoàn viên, bà lại nấu nồi cơm to tổ chảng... Giờ thì cái ăn, nếp mặc không còn là điều đáng lo nữa, nhưng nỗi lo túi cơm, dá áo của người mẹ vẫn in hằn trong trí não bà. Bà vẫn cứ quán xuyến, dặn rò, thậm chí là sốt sắng, lo con cháu... chết đói. Giờ thì có bát ăn của để thì ông bà lại chẳng hưởng được là bao...
Cụ ông giờ thì "số sướng, chỉ việc nằm mà ăn". Sau trận mưa đá đêm Giao thừa năm Canh Tý 2020, ông bị ngã đêm, tai biến liệt nửa người... Cụ bà cũng liểng xiểng ốm, rồi tai biến... Nghị lực của người mẹ giúp bà vượt qua cơ bại liệt, dù chân, tay của bà giờ không còn được hoạt bát như xưa. Đã đến lúc cháu con đền đáp mẹ cha. Đứa gần, đứa xa, dâu con đều thật tâm phụng dưỡng bố mẹ..., dù có thể còn chưa được chu tất, như ý. Nhưng đó là hồng phúc, là nền tảng giáo dục, luân lý, điều mà không phải gia đình nào muốn cũng làm được... Dù đau yếu, có phút buồn lòng, nhưng ông bà vẫn luôn bên nhau, bón cho nhau hạt cơm, miếng cháo... Tình yêu của ông bà là vậy!
Cuộc sống tuy vẫn còn những trăn trở, nghĩ suy. Ông vẫn lặng lẽ... Bà vẫn sục sôi, quan tâm... đến mức khó chịu, nếu người không hiểu tâm can của bà sẽ cho là gàn dở Tình yêu sẽ giúp cháu con xua đi những bon chen, ích kỷ nhỏ nhen. Tình yêu là điều lớn lao nhất mà ông bà đã làm được cho đại gia đình trong gần một thế kỷ qua.