Tại sao tôi lại chọn đi tàu? Trong khi đi xe ô tô sẽ nhanh hơn? Mà đi xe khách lại còn rẻ tiền hơn một nửa? Chẳng phải chỉ vì đi tàu an toàn hơn trong bối cảnh các nhà xe tranh nhau chạy bạt mạng, tự nhiên mình trao số phận mình, tính mạng mình cho một người lái xe xa lạ. Nói dại chứ họ đã có bằng lái chưa? Hôm qua họ có uống rượu bia không? Có hút ma tuý không? Có vừa lái xe vừa thao thao điện thoại không? Xe có được kiểm định an toàn không khi mà nhiều nhân viên các trung tâm kiểm định bị bắt hàng loạt gần đây... Nói tóm lại với từng ấy hành vi có thể thì tỷ lệ an toàn cực thấp. Đó là chưa kể lái xe, xe ô tô của mình an toàn, rất giỏi thì những lái xe khác tham gia giao thông trên đường - cùng chiều và ngược chiều có thể lúc nào cũng va chạm với xe mình, biết bao nhiêu rủi ro rình rập bất cứ lúc nào cũng đe dọa ập xuống đầu mình. Tôi cũng có thể đi xe cơ quan vì Sếp đã đồng ý, cháu lái xe tình nguyện “để cháu đưa chú và cả nhà về quê”. Cháu lái xe đã đi riêng với tôi chừng 5 năm, rất giỏi chuyên môn và cực tốt về tấm lòng.
![]() |
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái trên chuyến tàu về quê Tết Quý Mão |
Người tốt thường khiến ta phải suy nghĩ nhiều để làm sao có thể giúp họ việc gì nho nhỏ. Tôi tính hai chú cháu đi về quê hết hơn triệu tiền xăng, chưa tính đến chuyện hao mòn xe ô tô, nhưng mất của cháu hai, ba ngày đi đường, trong khi ngày Tết các cháu còn có gia đình nhỏ với trăm công ngàn việc. Mình về quê thắp hương thôi nhưng các cháu còn phải lo Tết cho vợ con, đi chúc tết hai bên bố mẹ, người thân và thủ trưởng, nhiều cháu vì mình mà phục vụ thôi chứ lòng họ cũng nóng như lửa đốt…
Chẳng phải sắp về nghỉ hưu tôi mới chọn đi tàu, nhiều năm nay tôi thường như thế, bởi đi tàu nếu phiền thì chỉ có mình làm phiền mình, chẳng phiền phức ai! Nằm giường đọc sách, trưa ăn suất cơm 40 ngàn chẳng đến nỗi nào, có thể làm thêm lon bia vừa nghe tiếng bánh tàu lăn xình xịch vừa ngắm phong cảnh nhiều làng quê miền Bắc lướt qua cửa sổ trong cảm xúc an toàn và lâng lâng thu vào mắt mình bao sắc màu đổi mới với ngói đỏ, tường bao, cây xanh, khói tỏa… Phong cảnh ấy khiến tôi nhớ về ký ức xưa trên những chuyến tàu chợ cách đây bốn năm chục năm.
Hồi ấy còn là sinh viên, mỗi lần lên tàu về quê là mỗi lần háo hức, xếp hàng từ nửa đêm dài hàng cây số để được vào ga mua vé. Tôi nhớ hàng dài từ phố Yết Kiêu đến ga Hàng Cỏ, chen chúc, xô đẩy, nạt nộ, tranh giành, chửi bới nhau rất thậm tệ… chỉ vì để mua một chiếc vé lên tàu. Chúng tôi không mua được vé thì trốn lủi làm sao lên được toa là thoát. Các toa tàu chật cứng như nêm, nhân viên tàu cũng không có lối đi để kiểm tra vé, trong khi nhiều người chỉ đứng được một chân. Thế là thoát. Về đến quê, bố mẹ trông chúng tôi tả tơi như người đi đắp đê chống lụt về. Chao ôi, một thời cả nước mình u mê, có phần ngu muội để trăm họ khốn đốn. Xăng xe thì nhiều, toa tàu, đầu may cũng nhiều, nhưng tất cả phải chạy theo kế hoạch, một ngày chỉ chạy 2 xe khách về Vinh, chạy hai, ba chuyến tàu vào Sài Gòn… Cũng may chúng ta đổi mới, đổi mới trước khi Liên Xô đổ vỡ 5 năm (nhân tiện nói thêm, ai đó nói rằng nhờ ông Goocbachop phá Liên xô mà chúng ta đổi mới là không đúng).
![]() |
Khách đi tàu ngày nay sướng thật...
Nay thì khác lắm rồi, tôi nằm giường ở tầng 2 tàu SE5, vé về Vinh hết 520 ngàn có giảm giá cho người cao tuổi, mua vé qua mạng, xếp hàng lịch sự như ở châu Âu, toàn người trọ trẹ quê Nghệ mình nên nhường nhịn nhau thân thiện.
Trở lại chuyện về quê ăn Tết dù mẹ không còn để nấu cho con siêu nước pha trà “móc câu” mời bạn hữu, không còn mẹ để gấp gáp đun lửa rạ nấu niêu cơm nhanh chín, không còn bố đạp xe ra chợ “ mua chịu” vài lạng thịt bạc nhạc về chưng mặn, không còn ánh mắt âu yếm, sáng trong nhìn con trai vội vã ăn cơm như sợ hết phần… Chỉ còn ánh mắt của bố, mẹ, của anh trai nhìn tôi trên bàn thờ. Dường như đã vắng vẻ tất cả, nhưng vẫn râm ran đâu đây, ngoài ngõ, trong sân, trong mỗi góc nhà, vườn cây tiếng của bố, dáng ngồi của mẹ lầm lũi làm bếp, rồi xếp bằng chân nhâm nhi li rượu của anh trai Nguyễn Duy Hồng- người anh cả vĩ đại của tôi, người bạn lớn tuổi thơ của tôi, thương em như con, trọng tôi như lãnh đạo… Còn đâu đây tuổi thơ bắt cá giá, thả đó đón cá con, giúp mẹ đi chợ bán cá - đổi gạo. Còn đâu đây tuổi sinh viên lam lũ đi buôn thuốc lá để mua quan tài cho bố yên lòng ăn bát cháo cuối cùng, còn đâu đây bơ gạo, đồng bạc lẻ, lọ streptomycin bố mẹ vay tạm, mua chịu của những hàng xóm tốt bụng làng tôi xưa…
![]() |
Trẻ em vui sướng được đi tàu với bố, cùng khoang giường nằm với tác giả
Về quê ăn Tết là tôi về cùng ký ức, về để được sống cùng với tuổi thơ, với tuổi thanh niên, với cây cối, phong thủy của làng trong ký ức, về với hơi ấm mà bố mẹ còn lưu lại trên mảnh đất hương hỏa, về với tiếng lao xao của tình làng, nghĩa xóm. Để làm gì ư? Đề nhớ, để hấp thu vào trái tim mình, vào toàn bộ cơ thể mình những gì đẹp nhất, trong sáng nhất, tươi trẻ nhất và bền vững nhất trong hành trình gian lao và hạnh phúc hơn 60 năm. Để tái tạo tâm hồn ta, để hồi sinh ta trên những chuyến tàu khách tương lai đi và trở về quê hương. Ở làng bây giờ tôi có một ngôi nhà nhỏ nên tôi gọi đó là QUÊ NHÀ tôi!
Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái