Trọn bộ Mumi bằng tiếng Việt do TS Võ Xuân Quế và vợ là TS Bùi Việt Hoa chuyển ngữ sang tiếng Việt từ tiếng Phần Lan, được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản trọn bộ 8 cuốn trong thời gian từ 2010-2018, được đông đảo bạn đọc nhí Việt Nam hâm mộ. Một số tập trong bộ sách cũng đã được tái bản nhiều lần.
Đặc biệt năm 2022 này, nhân kỷ niệm 65 năm thành lập, NXB Kim Đồng vừa tái bản trọn bộ sách 8 cuốn. Lễ giới thiệu ra mắt bộ sách sẽ được NXB tổ chức vào thứ 7 ngày 14/5 tại Phố Sách Hà Nội.
Tầm Nhìn đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Võ Xuân Quế - đang sinh sống, làm việc tại Phần Lan, về những điều thú vị khi ông cùng vợ đầu tư suốt 1 thập kỷ để chuyển ngữ bộ sách được thiếu nhi khắp thế giới yêu thích này sang tiếng Việt, tạo nên một sân chơi mới về đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong thiếu nhi Việt Nam.
|
Bộ truyện thiếu nhi của Phần Lan với sự lan tỏa đặc biệt
- Thưa dịch giả Võ Xuân Quế, ông có thể cho biết câu chuyện của nhân vật Mumi trong bộ truyện thiếu nhi Mumi của Phần Lan? Và vì sao nó lại có sự lan tỏa đặc biệt khắp thế giới như vậy?
Dịch giả Võ Xuân Quế: - Mumi là tên gọi của nhân vật chính trong bộ truyện gồm 9 cuốn viết về gia đình Mumi và những cư dân của Thung lũng Mumi ở Phần Lan do họa sĩ, nhà văn Phần Lan, Tove Jansson (1914 - 2001) sáng tác và minh họa. Cuốn đầu tiên được xuất bản năm 1945 và cuốn cuối cùng xuất bản năm 1970.
Các nhân vật Mumi có hình dáng mập mạp với cái mõm dài, cái đuôi thon nhỏ, bộ lông dày, trắng muốt, mịn màng trông rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Tất cả đều là những con vật tưởng tượng, nhưng suy nghĩ và nói năng, ứng xử như con người. Mỗi nhân vật có một tính cách, sở thích và lối sống riêng nhưng đều có một điểm chung là yêu quý thiên nhiên và rất giàu lòng vị tha, bác ái.
Với bộ truyện này, tác giả Tove Jansson đã nhận được Giải thưởng Hans Christian Andersen (1966), Giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển (1972; 1994), Giải thưởng Nhà nước Phần Lan về Văn học (1963; 1971; 1982) cùng nhiều giải thưởng khác. Tên tuổi của Tove Jansson được so sánh với các tác giả nổi tiếng thế giới như Lewis Caroll và J.R. Tolkien. Các nhân vật Mumi đã trở thành biểu tượng văn hoá của đất nước Phần Lan, gần gũi với người dân Phần Lan và được yêu mến trên toàn thế giới.
Cho đến nay bộ truyện về Mumi của Jansson đã được dịch ra 44 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có tiếng Việt và là bộ truyện thiếu nhi Phần Lan đầu tiên được dịch ra tiếng Việt. Điều vinh dự với bộ truyện Mumi tiếng Việt là được Tổng thống Phần Lan (2 nhiệm kỳ liền 2000-2012), bà Tarja Halonen - người được nhân dân Phần Lan yêu mến gọi là Mumi Mẹ của họ – viết lời tựa trong cuốn Mumi đầu tiên “Chiếc mũ của phù thủy” (xuất bản năm 2010). “Chiếc mũ của phù thủy” cũng đã được NXB Kim Đồng tái bản 2 lần vào năm 2017 và 2019.
|
Điều đáng nói hơn là các nhân vật Mumi không chỉ được biết đến trong tranh và truyện mà còn xuất hiện trong các loại hình nghệ thuật khác như: điện ảnh, sân khấu, opera, phim truyền hình, trò chơi... không chỉ ở Phần Lan mà nhiều nước khác.
Riêng phim truyền hình, ngoài Phần Lan, Mumi đã được sản xuất ở Đức (1959), Đức - Ba Lan (1977, 1982) và Nhật Bản (1972). Đáng chú ý nhất là bộ phim truyền hình “Những câu chuyện ở Thung lũng Mumi” do Nhật Bản và Phần Lan hợp tác sản xuất vào năm 1990-1992, gồm 104 tập, rất được yêu thích. Năm 2019, loạt phim hoạt hình mới với công nghệ CGI 3D hiện đại được thực hiện với sự hợp tác giữa Phần Lan và Anh đã được công chiếu trên truyền hình Phần Lan và Vương quốc Anh. Về phim nhựa, cho đến nay đã có hai phim khác nhau về Mumi là: Moomins and the comet chase (2010) và Moomins on the Riviera (2014).
Từ văn học nghệ thuật, các nhân vật Mumi còn đến với mọi người trong các bảo tàng, công viên, sản phẩm tiêu dùng cần thiết và thân thiện. Năm 1987 Bảo tàng Mumi Muumilaakso - Thung lũng Mumi được xây dựng ở Tampere (Phần Lan). Đây là nơi lưu giữ và trưng bày hàng nghìn bản gốc tranh Tove Jansson vẽ trên báo The London Evening News cũng như các bản gốc truyện Mumi, truyện tranh và tranh vẽ khác của Jansson. Năm 1993 một công viên với chủ đề Mumi - Muumimaailma (Thế giới Mumi) ở Naantali, cách Helsinki 150km, đã mở cửa đón khách. Năm 2006, Theo bình chọn của báo The Independent on Sunday (Anh), Thế giới Mumi là công viên chủ đề tốt thứ tư trên thế giới dành cho thiếu nhi. Ở Nhật, Mumi còn có một công viên và mới đây có thêm một nhà trẻ mang tên Mumi ở Tokyo.
![]() |
Hình bìa bộ Mumi vừa tái bản năm 2022 của Nxb Kim Đồng |
Từ cuối những năm 1990 trở đi, Mumi càng trở nên quen thuộc và được yêu thích hơn ở Phần Lan và thực sự đã trở thành biểu tượng văn hóa của quốc gia này. Bất cứ gia đình nào của Phần Lan cũng có ít nhất một vài sản phẩm Mumi. Mumi được bình chọn là một trong 12 tác phẩm design tiêu biểu nhất của Phần Lan. Mumi không chỉ quảng bá văn hóa Phần Lan, thiên nhiên Phần Lan ra nước ngoài mà ngày nay còn đem lại một nguồn thu nhập rất lớn.
Hình ảnh các nhân vật Mumi đã xuất hiện hầu như trên hầu hết các sản phẩm của Phần Lan từ đồ trang sức, đồ chơi, sản phẩm tiêu dùng đến thức ăn, đồ uống… Chỉ riêng cốc sứ, các nhân vật Mumi đã xuất hiện trên 105 loại cốc khác nhau, trong đó có loại hiện được bán tới 9000 euro/cốc. Công ty mang tên Mumi - Moomincharacter - do Tove Jansson và em trai Lars Jansson sáng lập, ngày nay do người cháu gái, Sophia Jansson làm chủ tịch Hội đồng quản trị được coi là công ty gia đình lưu giữ di sản và thương hiệu văn hóa của Phần Lan, với doanh thu 11,9 triệu euro (2020).
![]() |
Mumi trở nên rất hấp dẫn & thân thiện với các đồ dùng gần gũi (đèn, bình nước nóng, cốc, bát...), đem lại doanh thu khổng lồ. |
Cơ duyên và đau đáu hơn 20 năm đưa bộ sách đến với thiếu nhi Việt Nam
- Thưa dịch giả Võ Xuân Quế, câu chuyện của Mumi từ Phần Lan đi khắp thế giới quả thật rất hấp dẫn! Vậy cơ duyên nào đưa vợ chồng dịch giả tiếp cận bộ truyện Mumi? Và vì sao ông bà lại quyết định chuyển ngữ sang tiếng Việt?
Dịch giả Võ Xuân Quế: -Tôi biết đến Mumi từ một cuốn truyện tranh mỏng dành cho trẻ em vào năm 1993 khi một người bạn Phần Lan gửi tặng con gái chúng tôi lúc cháu chưa tròn một tuổi. Hồi đó tôi chưa biết tiếng Phần Lan, tôi chỉ giở sách cho con gái xem tranh và tôi cũng theo tranh mà bịa lời. Những bức tranh rất ngộ nghĩnh khiến hai bố con đều thích, vì thế thỉnh thoảng tôi lại lấy ra vừa “kể” vừa cho con xem.
Năm 1995 gia đình tôi đến Phần Lan làm việc. Thế là cùng với con, tôi không chỉ đọc truyện, xem tranh mà còn được xem rất nhiều phim Mumi trên truyền hình vì các chương trình dành cho trẻ em hầu như ngày nào cũng chiếu phim Mumi. Tôi nhận ra rằng nếu phải chơi với con trẻ ở Phần Lan, cách tốt nhất là xem phim hay đọc truyện tranh Mumi với các cháu. Với tôi, xem Mumi còn là cách luyện tiếng Phần Lan rất hiệu quả. Tôi bắt đầu yêu thích và "nghiện" Mumi từ đó.
Hè năm đó, họa sĩ Lương Xuân Đoàn (người minh họa bộ sử thi Kalêvala nổi tiếng của Phần Lan, khi TS Bùi Việt Hoa chuyển ngữ sáng tiếng Việt) có chuyến công tác tới Phần Lan. Tình cờ đọc báo, biết được ở Helsinki có một sự kiện mà người sáng tạo Mumi là nhà văn-họa sĩ Tove Jansson sẽ tham dự, tôi và họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã đến và gặp được Jansson. Hôm đó tôi đã nói chuyện với bà và bày tỏ ý muốn dịch bộ truyện Mumi của bà sang tiếng Việt. Tove Jansson tỏ ra ngạc nhiên song vui vẻ đồng ý. Rất tiếc hôm đó chúng tôi không có máy ảnh để chụp chung với Jansson tấm hình kỷ niệm.
Nhưng cuối năm 1995 ga đình tôi rời Phần Lan về Việt Nam. Mãi đến năm 2002 chúng tôi trở lại Phần Lan lần thứ 2 và có điều kiện nghĩ tới việc chuyển ngữ Mumi. Việc chuyển ngữ kéo dài một phần vì khi đó tiếng Phần Lan của tôi còn yếu hơn tiếng Anh, trong khi vợ tôi phải tập trung vào Dự án biên soạn Sử thi “Con cháu Mon Mân” và dịch các tác phẩm văn học cổ điển của Phần Lan. Mặt khác lúc đầu chúng tôi cũng chưa dám chắc sự thanh bình, tĩnh lặng và nhịp sống êm đềm như truyện cổ tích của các nhận vật trong bộ truyện sẽ hợp với thị hiếu bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Bởi lúc đó sách thiếu nhi được yêu thích ở Việt Nam là bộ truyện Doremon, Pokemon.
Mãi đến năm 2008, trong chuyến về Việt Nam in sử thi “Con cháu Mon Mân”, TS Bùi Việt Hoa mới đến giới thiệu Mumi với Nhà xuất bản Kim Đồng. Người đại diện của nhà xuất bản lúc đó là chị Vũ Thị Quỳnh Liên đã đón nhận và tiến hành liên hệ mua bản quyền để chúng tôi chính thức dịch Mumi.
![]() |
Mumi trở nên rất hấp dẫn & thân thiện với các đồ dùng gần gũi, như chiếc đèn ngủ với Mumi và bạn ôm trái tim này |
- Thưa dịch giả Võ Xuân Quế, tập sách Mumi đầu tiên do vợ chồng ông chuyển ngữ được in ở Việt Nam là “Chiếc mũ của phù thủy”. Nó thật thu hút trẻ em vì vậy nó đã được NXB Kim Đồng tái bản đến 3 lần. Vậy có phải đây là cuốn truyện Mumi đầu tiên của Tove Jansson được xuất bản?
Dịch giả Võ Xuân Quế: - Không phải. Cuốn truyện Mumi đầu tiên có tên là “Gia đình Mumi và trận hồng thủy” được xuất bản năm 1945 (nay được in chung trong "Đứa trẻ vô hình" ở bản dịch tiếng Việt). Còn “Chiếc mũ của phù thủy” là cuốn truyện thứ tư, xuất bản năm 1948. Nhưng khi quyết đinh dịch Mumi, chúng tôi đã hỏi ý kiến hai con gái. Cả hai đều nói thích “Chiếc mũ của phù thủy” nhất. Vì vậy chúng tôi bắt đầu với cuốn này. Và quả thực nhờ cái nhìn của 2 con gái nhỏ lúc đó, “Chiếc mũ của phù thủy” đã trở thành cuốn sách được trẻ em Việt Nam yêu thích. Từ đó, trọn bộ Mumi đã được yêu thích ở Việt Nam.
Tổng thống Phần Lan Halonen đã viết “Thư gửi bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam” cho cuốn “Chiếc mũ của phù thủy” đầu tiên
-Thưa ông, vậy cơ duyên nào bản dịch Mumi sang tiếng Việt là bản dịch duy nhất sang hơn 40 thứ tiếng nước ngoài của bộ truyện Mumi, lại được Tổng thống Phần Lan viết lời giới thiệu?
Dịch giả Võ Xuân Quế: - Cũng thật tình cờ vào tháng 5/2010, khi bản thảo cuốn Mumi đầu tiên là “Chiếc mũ của phù thủy” đang được Nhà xuất bản biên tập, thì Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta sang thăm chính thức Phần Lan. Đại sứ quán Việt Nam mời TS Bùi Việt Hoa đi phiên dịch cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và đoàn. Thế là chúng tôi liền nghĩ đến việc đó và thông qua một cựu Bộ trưởng Văn hóa Phần Lan từng sang thăm Việt Nam, Bùi Việt Hoa gặp và đặt vấn đề với thư ký văn hóa của Tổng thống Halonen. Thư từ qua lại và cuối cùng Tổng thống Halonen đã nhận lời viết “Thư gửi bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam” cho cuốn “Chiếc mũ của phù thủy”. Và điều đó thật tuyệt diệu, bởi tác phẩm văn học Mumi lại như thêm một lần được chắp cánh bay xa.
Năm ngoái, cũng thật tình cờ, chúng tôi gặp lại Bà Tổng thống trong triển lãm 75 năm cuốn Mumi đầu tiên của Tove Jansson được xuất bản. Cựu Tổng thống đã vui vẻ chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm, dù đang giữa mùa... Covid-19!
![]() |
Những chiếc cốc Mumi rao bán trên mạng, có những loại cốc có giá rất cao |
Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tái bản trọn bộ cả 8 cuốn sách này. Bạn đọc yêu thích Mumi có thể mua sách tại địa chỉ (https://nxbkimdong.com.vn/collections/bo-an-pham-ki-niem-65-nam-thanh-lap-nha-xuat-ban-kim-dong) và các nhà sách trên cả nước.
Trọn bộ Mumi bằng tiếng Việt do TS Võ Xuân Quế và TS Bùi Việt Hoa dịch sang tiếng Việt từ tiếng Phần Lan, được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản với 8 cuốn trong thời gian từ 2010-2018, gồm:
1. Chiếc mũ của phù thủy (xuất bản lần thứ nhất 2010, tái bản 2013, 2019)
2. Những cuộc phiêu lưu li kỳ của Mumi Bố (2013)
3. Mumi và Sao chổi (2013)
4. Ngày hạ chí nguy hiểm (2014)
5. Đứa trẻ vô hình (với “Gia đình Mumi và trận hồng thủy”, 2014)
6. Gia đình Mumi ở biển (2016)
7. Mùa đông huyền bí (2017)
8. Tháng Mười Một ở thung lũng Mumi (2018)
- Cảm ơn dịch giả Võ Xuân Quế, chúc ông và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục thành công trong sự nghiệp cầu nối văn hóa Việt Nam - Phần Lan!
Trần Thu Hằng