![]() |
Chuyên gia Công nghệ ô tô Olaf Hollandt đến từ Tập đoàn đào tạo nghề Aventos của Đức |
Đào tạo theo cấp độ 4 để có những công nhân lành nghề
Trao đổi với Phóng viên, ông Olaf Hollandt, chuyên gia giám sát lớp đào tạo nghề thí điểm Công nghệ ô tô người Đức tại Việt Nam cho biết: Kỳ thi nghề này lần đầu tiên được tổ chức trong suốt 2 năm qua. Phần thi lý thuyết đã tiến hành trước kỳ nghỉ 30/4 với đồng loạt tất cả các trường có lớp đào tạo nghề thí điểm Công nghệ ô tô trên toàn quốc. Phần thi thực hành được tiến hành lần lượt tại 9 trường từ Bắc vào Nam. TP Hà Nội có 2 trường thực hiện dự án này là Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội và CĐ Nghề Công Nghiệp. Kết quả thi của các sinh viên sẽ được báo cáo với tập đoàn Aventos, đơn vị chuyển giao công nghệ dạy học và phụ trách đào tạo cùng với Tổng cục GDNN. Sau đó, Tổng cục GDNN sẽ thông báo kết quả xuống cho học sinh.
Trong tháng 2 đã có một chuyên gia người Đức đến trực tiếp giảng dạy và ôn luyện cho các em trong 2 tuần nên chắc chắn kĩ năng của các em đã rất tốt. Theo kế hoạch, chương trình giảng dạy của các em sinh viên lớp thí điểm này sẽ kéo dài 3 năm rưỡi, đến tháng tư năm 2023 sẽ kết thúc. Tất cả các lớp này sẽ học ngày 2 buổi. Thời gian chỉ còn 1 năm để các em thi tốt nghiệp nên ông Olaf khuyến cáo các thầy cô tập trung giảng dạy cho kịp thời, ông ông Olaf Hollandt chia sẻ.
Dự án đào tạo nghề chuyển giao công nghệ đào tạo về Kĩ thuật công nghệ ô tô là một trong 22 ngành nghề được Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Tổng cục GDNN trực tiếp ký hợp đồng với Tập đoàn công nghiệp Aventos kết hợp và Viện tiểu thủ công nghiệp và kĩ năng nghề Leipzig, Cộng hòa liên bang Đức thực hiện. Dự án diễn ra tại 45 trường nghề trên khắp cả nước với 66 lớp học, mỗi lớp học tiêu chuẩn chỉ có 16 học sinh. Phía Đức phụ trách đào tạo lớp thí điểm và sau đó thì Tổng cục GDNN sẽ đánh giá và quyết định các bước tiếp theo. Dự án khởi điểm từ 2016 và chính thức đi vào giảng dạy từ 2019. Hiện đã có 9 lớp về Kĩ thuật Công nghệ ô tô và đã tiến hành được 2 năm. Trọng tâm của phía Đức là đào tạo theo cấp độ 4 tương ứng với để có được những công nhân lành nghề cấp độ 3 hoặc 3,5. Các sinh viên phải được thực hành ít nhất 2/3 thời gian và kết hợp với đào tạo tại các doanh nghiệp. Ngoài kĩ thuật sửa chữa và lắp ráp, các sinh viên còn được đào tạo cả tác phong làm việc, bảo vệ an toàn thiết bị, an toàn làm việc, kĩ năng giao tiếp, bán hàng...
Các sinh viên này sau khi tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng sang Đức để được làm việc hay đào tạo nâng cao thì phía Tập đoàn Aventos sẽ tạo điều kiện hết sức.
Việt Nam cần mở thêm một số ngành chuyên sâu về công nghệ ô tô và xe máy
Ông Olaf Holland gợi ý thêm, các trường đào tạo nghề cần tạo động lực cho sinh viên phấn đấu, phải yêu nghề và xác định gắn bó lâu dài với nghề, chịu khó học hỏi quan sát thực tế để tại trường là có thể tự tin độc lập làm việc được ngay.
Riêng trong ngành ô tô, Việt Nam có nhiều loại xe khác chưa đào tạo mở lớp đào tạo chuyên sâu. Ông Olaf cũng gợi ý Việt Nam nên đào tạo thêm 3 nghề về ô tô mà chúng ta còn đang yếu và rất thiếu là sửa chữa thùng xe, khung xe và sơn ô tô. Việt Nam có rất nhiều xe máy nên chúng ta cũng nên mở thêm khóa đào tạo sửa chữa chuyên sâu về xe máy thay vì đào tạo sơ cấp như hiện nay. Theo ông Olaf, hiện các doanh nghiệp xe máy Việt Nam đang phải tự đào tạo lấy người để làm, như vậy sẽ thiếu chuyên nghiệp. Ô tô điện của Việt Nam chưa được đón nhận nhưng đó là ngành nghề của tương lai nên các trường học của Việt Nam cũng nên nghiên cứu mở các khóa đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.
Cần bổ sung chính sách đào tạo nghề cho doanh nghiệp
Ông Olaf Hollandt cũng nhận định, Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra được chính sách để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Trong khi đó ở Đức, doanh nghiệp sẽ ký kết hợp đồng với sinh viên- người lao động. Sau đó, họ sẽ được gửi đến các cơ sở đào tạo và ngay từ những ngày học tập đầu tiên họ đã phải xuống xưởng làm việc tại vị trí việc làm tương lai, họ còn được trả lương ngay từ những ngày đầu. Đó là lí do vì sao gia đình họ không phải lo gánh nặng kinh phí này. 2/3 thời lượng học tập là tại xưởng của DN và chỉ có 1/3 tại trường.
![]() |
Ông Olaf Hollandt trao đổi với gióa viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội về bổ sung thêm các kĩ năng làm việc cho sinh viên của trường |
Phía Doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị sẵn giáo viên để đào tạo tại chỗ cho các thế hệ lao động mới chứ không phải là người trước truyền nghề cho người sau. Giáo viên của họ cũng phải theo dõi học sinh cho đến lúc tốt nghiệp. Vì đào tạo cho chính mình nên doanh nghiệp phải quan tâm và có trách nhiệm hơn là đi thuê.
Ngược lại, doanh nghiệp sẽ được nhà nước giảm một phần thuế cho việc đầu tư đào tạo nghề. Việc đào tạo nghề là yêu cầu bắt buộc đối với một doanh nghiệp, nếu không đào tạo, họ sẽ phải bỏ một khoản tiền thuê đào tạo, hoặc phải trả phí đào tạo nghề.
Theo ông, các chính sách trên giúp doanh nghiệp hợp tác tốt hơn với các cơ sở đào tạo nghề trong việc tiếp nhận và bố trí chỗ làm, thực hành tại chỗ. Điều này đang khác với thực trạng ở Việt Nam là sinh viên năm cuối trước khi tốt nghiệp mới được dành 6 tháng xuống DN để thực hành. DN Việt Nam đang được phản ánh là không dám để sinh viên vận hành máy móc vì sợ hỏng. Do đó sinh viên chỉ được làm những việc của lao động phổ thông dẫn đến tình trạng các em chán nghề, bỏ nghề. Phần lớn sinh viên được đào tạo theo mô hình truyền thống của Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, muốn bám trụ tại vị trí công việc đều phải mất thêm từ 18 tháng đến 2 năm tập sự tại DN thì mới chính thức được vào vị trí làm việc.
Tức là thời gian các em phải dành cho việc học nghề lên tới 5 năm thay vì 3,5 năm như chương trình chuẩn. Như vậy rất lãng phí thời gian và tiền của. Hiệu qủa đào tạo lại thấp. Việt Nam cần làm nhanh chính sách này, vì đây là thời cơ rất tốt để thực hiện, ông Olaf nhấn mạnh./.