Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 từ ngày 8/3, với mục tiêu phủ đủ liều cho 70% dân số trưởng thành trong năm 2021, tương đương 50 triệu người. Đến nay, chiến dịch tiêm chủng đã đạt kết quả vượt so với dự định.
Theo Bộ Y tế, ngày 12/1, sau 10 tháng triển khai, Việt Nam đã hoàn thành tiêm vaccine mũi một cho tất cả dân số từ 18 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi hai trên cả nước đạt 93%; tiêm liều nhắc lại 11,5%. Số liệu đến ngày 14/1, tổng số liều đã tiêm là 166,9 triệu, trong đó tiêm đủ hai mũi là 72,1 triệu liều, tiêm mũi 3 (bổ sung/tiêm nhắc) là 16,2 triệu liều.
Việt Nam đã tiếp nhận 206 triệu liều vaccine gồm 60 triệu liều AstraZeneca; 88 triệu là Pfizer và Moderna; 51 triệu Sinopharm; 5 triệu Abdala; 1,5 triệu Sputnik V. Trong đó, nguồn vaccine mua từ ngân sách nhà nước là 103 triệu liều, còn lại là viện trợ từ Covax, các nước, các doanh nghiệp.
![]() |
Ảnh minh họa: internet. |
Đến hết năm 2021, Việt Nam chạm mốc 150 triệu liều vaccine COVID-19, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất một liều vaccine, 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Đây được coi là thành công của Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử... Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở nước ta, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan, đặc biệt là Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, ngay từ thời gian đầu, Việt Nam xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ứng phó với đại dịch COVID-19. Chiến lược vaccine của nước ta tập trung vào các nội dung chính như nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước. Thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường tìm kiếm đối tác, đàm phán, ngoại giao và huy động tài chính./. |