![]() |
Tổ hợp khách sạn Venus do Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng là chủ đầu tư được xây dựng trên đất công sản nhưng không qua đấu giá đất. |
Hệ lụy xuất phát từ các nhà quản lý
Những bài trước, Tầm Nhìn điện tử - Báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin tới bạn đọc về việc Hòn ngọc Đông Dương - Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) bị "bức tử", bị "băm nát" bởi những khối bê tông ken dày đặc. Sau khi đăng tải, nhiều bạn đọc và giới trí thức đã tỏ rõ băn khoăn vì sao Vĩnh Phúc có thể "hô biến" đất công sản về tay tư nhân không qua đấu giá?
![]() |
Nhiều khách du lịch khá bất ngờ khi lên Tam Đảo chỉ để nhìn, ngắm .... bê tông. |
Trong một vài năm trở lại đây, Tam Đảo thực sự là điểm phát triển "nóng" về du lịch, bởi được sự quan tâm "đặc biệt" của tỉnh Vĩnh Phúc và sự tham gia đầu tư lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp, các đối tác chiến lược... Tuy vậy, sự đầu tư phát triển mạnh mẽ về du lịch lại khiến cho Tam Đảo dường như đang bị “bức tử” bởi những công trình bê tông cao tầng. Điển hình là dự án khu dịch vụ cao cấp của Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng.
![]() |
Ngày mới ở Tam Đảo khi sương tan, hiện ra trước mắt du khách là những khối bê tông và đại công trường ngổn ngang xây dựng. |
Tình trạng xây dựng ồ ạt đang "băm nát" và trực tiếp phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, biến Tam Đảo thành một đại công trường chưa biết đến bao giờ dừng lại. Công viên trung tâm thị trấn, nhà thờ gần như lọt thỏm trong những khối bê tông mọc san sát dày đặc và được bao vây bởi ngổn ngang vật liệu xây dựng.
Một số chuyên gia quy hoạch nhìn nhận, đây là hệ lụy xuất phát từ các nhà quản lý đã định hướng phát triển Tam Đảo chạy theo mục đích kinh tế mà bỏ qua yếu tố bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng nơi đây.
![]() |
"Hòn ngọc Đông Dương" đang dần bị bức tử bởi rừng bê tông ngột ngạt và nhiều công trình xây dựng vẫn mọc lên như nấm. |
Bởi lẽ, "Hòn ngọc Đông Dương" là một trong những điểm đến thu hút du khách hàng đầu ở miền Bắc khi sở hữu lợi thế về khí hậu, sinh thái. Từ một thị trấn nổi tiếng về du lịch, trải nghiệm thiên nhiên, Tam Đảo đang ít dần cây xanh, thay vào đó là các tòa nhà, các khu dịch vụ dày đặc đến "ngộp thở". Không ít du khách đã phàn nàn về việc đi nghỉ dưỡng ở Tam Đảo giờ toàn nhìn, ngắm... bê tông!
Hàng nghìn m2 đất công sản về tay tư nhân không qua đấu giá?
Mặc dù khu du lịch Tam Đảo đang được đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông trên nhiều tuyến đường, nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn so với tốc độ phát triển bất động sản tại khu vực này. Các tuyến đường giao thông vẫn khó thoát cảnh ùn tắc khi có lượng lớn khách du lịch đổ dồn về cuối tuần và ngày lễ.
![]() |
Do thiếu chỗ để xe, nên khách du lịch lên Tam Đảo phải để xe tràn ra hết lòng đường. Thế nhưng, mảnh đất công sản có diện tích hơn 8.000m2 còn sót lại, lại được tỉnh Vĩnh Phúc giao cho doanh nghiệp tư nhân không qua đấu giá. |
Hiện tại, thị trấn Tam Đảo đang thiếu nghiêm trọng bãi đỗ xe và nhiều tiện ích khác phục vụ khách du lịch, thì những mảnh đất công sản hiếm hoi còn sót lại có diện tích lớn đã được giao vào tay tư nhân?!
Miếng đất công sản rộng hơn 8.000m2 nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm thị trấn Tam Đảo đã được tỉnh Vĩnh Phúc “hợp thức” cho một doanh nghiệp tư nhân để đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn cao tầng mang tên Venus. Việc giao đất không qua phương thức đấu giá khiến công luận nghi ngờ dấu hiệu tiêu cực?
![]() |
Công viên trung tâm bị thu hẹp đáng kể do những khối bê tông san sát và dày đặc. |
Khu đất công sản này, trước kia là nhà khách do Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh và UBND thị trấn Tam Đảo quản lý, đã được thu hồi để giao cho Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng để xây dựng nhiều khối nhà cao tầng kết hợp nghỉ dưỡng cùng với điểm ẩm thực. Hiện khách sạn này đã hoàn tất và đi vào hoạt động. Không gian khu trung tâm thị trấn vốn đã rất nhỏ hẹp, nay tiếp tục bị thu hẹp…
![]() |
2 tổ hợp đại công trình do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư ở Tam Đảo, trong đó có tổ hợp khách sạn Venus sử dụng đất công sản nhưng không qua đấu giá. |
Liệu đây có phải là mục tiêu của việc đầu tư "phát triển bền vững" của tỉnh Vĩnh Phúc?! Tam Đảo đang bị "băm nát" cũng như tình trạng vi phạm xây dựng nơi đây đang có những diễn biết phức tạp nhưng chính quyền và cơ quan quản lý vẫn “thờ ơ” thiếu quyết liệt đến khó hiểu?
Việc đất công “rơi” vào tay doanh nghiệp tư nhân mà không qua đấu giá liệu có gây thất thoát tài sản Nhà nước không? Tầm Nhìn - Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin ở "Bài 4: Vĩnh Phúc giúp doanh nghiệp “ruột” ôm đất công ở Tam Đảo 1 ra sao?"
Vĩnh Phúc: Ngột ngạt “rừng” bê tông đang “bức tử” Tam Đảo (bài 1)
Điểm danh dự án bê tông hóa góp phần khiến Tam Đảo bị “bức tử” (Bài 2)
Theo Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội: “Việc giao đất không qua đấu giá đây cũng có thể là lỗ hổng để các tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi cá nhân hoặc có lợi ích nhóm xuất hiện và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Trong trường hợp đó là vị trí đất vàng sẽ càng gây ra thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Khách quan cho thấy, vị trí đất vàng sẽ sinh ra nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, khi giao đất lại không tổ chức đấu giá thì khoản lợi nhuận này chỉ thuộc về một nhóm lợi ích. Thất thoát vì đất không được đấu giá công khai, mất đi nguồn thu lớn do sự chênh lệch giá thị trường. Tiếp đến, trong quá trình sử dụng không hiệu quả, những khu đất đó bỗng trở thành “cái gai” vì làm chệch quy hoạch ban đầu. Ngoài ra, việc giao đất không qua đấu giá còn làm ảnh hưởng tới sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh thiếu minh bạch bởi những nhóm lợi ích cũng khiến một số doanh nghiệp làm ăn chân chính thấy bất lợi trong cuộc đua này. Như vậy, việc đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất sẽ mang lại sự minh bạch, công khai, cạnh tranh công bằng, đem lại nguồn thu hiệu quả cho ngân sách nhà nước. Từ những vụ việc như trên cho thấy công tác quản lý đất hiện còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, tham nhũng "./. |