Toàn tỉnh đón 5,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 40,2 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch năm 2018 đạt 1.670 tỉ đồng. Năm 2019, khách du lịch đến Vĩnh Phúc ước đạt 6,1 triệu lượt người, tăng 17% so với năm 2018, trong đó khách quốc tế 43,5 ngàn lượt và tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 1.900 tỉ đồng.
Để tạo nhiều ấn tượng với du khách, những năm gần đây Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung phát triển theo các hướng chính: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo; đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển đồng bộ các khu du lịch gắn với khai thác các tour du lịch vùng quê nhằm đánh thức tiềm năng du lịch sẵn có ở các địa phương.
![]() |
Tam Đảo là địa danh thu hút đông đảo du khách tong và ngoài nước tới thăm quan, vui chơi, nghỉ dưỡng. |
Đặc biệt, thị trấn Tam Đảo (Khu du lịch nghỉ mát thị trấn Tam Đảo- huyện Tam Đảo) từ năm 2017 đến nay có hơn 10 gia đình trẻ đã cải tạo nhà ở của mình để kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nhà (homestay) phát huy hiệu quả khá cao, thu hút nhiều du khách trẻ đến đây, khiến du khách có nhiều lựa chọn hơn so với trước.
Các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cũng tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự cho du khách; đồng thời yêu cầu các nhà hàng, địa điểm vui chơi, cơ sở lưu trú niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, không tăng giá dịch vụ mỗi khi mùa du lịch đến và du khách dồn về đông. Bên cạnh đó, ngành chức năng tập trung ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách; chèo kéo, ép khách; tăng cường kiểm tra các chỉ dẫn cảnh báo nguy hiểm, biện pháp cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch… Tỉnh yêu cầu các địa phương có địa bàn du lịch được nhiều người quan tâm tổ chức các lực lượng dọn dẹp vật liệu và phế liệu xây dựng, trả lại sự phong quang cho các tuyến đường, vườn hoa, vệ sinh các khu vực công cộng, đặc biệt là ở các khu du lịch trọng điểm: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải...
Thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ như phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, quan tâm đến sản phẩm mua sắm, vui chơi giải trí; nghiên cứu quy hoạch chợ đêm, phố đi bộ; đầu tư khai thác tốt thị trường du lịch nội địa và khách nghỉ dưỡng cuối tuần; quy hoạch điểm đến, có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh tiếp tục nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ; phát triển du lịch tâm linh; khôi phục lại một số di tích, lễ hội truyền thống; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các nhà hàng, khách sạn, hình thành mạng lưới dịch vụ đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng… Tỉnh cũng tập trung nguồn lực, đồng thời phát huy sức mạnh sẵn có thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Từ những kết quả đã đạt được những năm gần đây, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trong năm 2020 sẽ đón 6,5 triệu lượt khách, trong đó 50 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu, dự kiến năm 2020 đạt 2.600 tỉ đồng, tạo thêm hàng ngàn lao động có việc làm...