Mong muốn làm điều tốt đẹp
Qua theo dõi phiên tòa xét xử vụ án đưa và nhận hối lộ tại Bộ Ngoại giao, Bộ y tế…và một số đia phương được gọi nôm na là vụ án “chuyến bay giải cứu” thì có thể nhận thấy nhóm các đối tượng phạm tội đưa hối lộ đều là Doanh nghiệp với mong muốn chung tay với Đảng và Nhà nước, làm điều tốt đẹp cho đồng bào của mình là những người lao động, du học sinh… ở nước ngoài hồi hương, thoát khỏi vùng đại dịch về với vòng tay bảo bọc của gia đình người thân.
Những Doanh ngiệp này thực hiện theo chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhưng đã gặp phải sự nhũng nhiễu từ những cán bộ có chức có quyền được phân công thực hiện các chức trách phòng chống đại dịch covid 19.
![]() |
Không hối lộ thì không được cấp phép
Những cán bộ có chức có quyền được phân công thực hiện các chức trách phòng chống đại dịch covid 19 đã những nhiễu vòi tiền thế nào được thể hiện rất rõ qua các lời khai của các bị cáo đều là những lãnh đạo cấp cao của các Doanh nghiệp
Tại phiên tòa, những bị cáo như Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT công ty Vijasun, Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc công ty Blue Sky và nhóm các bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ đều khai báo là bị những nhiễu, hạch sách, vòi tiền và nếu không chi thì không được cấp phép chuyến bay.
Bị cáo Đào Minh Dương (chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) khai, trong suốt quá trình xét hỏi, nhiều lần khẳng định nếu không đưa tiền "bôi trơn" thì sẽ bị gây khó khăn trong xin cấp phép chuyến bay giải cứu.
Theo lời khai của ông Dương, thời gian đầu nộp hồ sơ cấp phép tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhiều lần cục trưởng là bà Nguyễn Thị Hương Lan yêu cầu phải chi tiền. Do không đưa tiền nên doanh nghiệp của ông Dương thường xuyên bị gây khó.
"Bị cáo nhiều lần bị gây khó khăn. Nhiều lần bà Lan yêu cầu đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên bị gây khó bằng cách ngày mai bay thì hôm trước mới được thông báo. Bị cáo bị đưa vào tình thế khó khăn cùng cực. Để tổ chức chuyến bay thì phải đặt cọc thuê tàu bay, 6-9 tỉ một chuyến bay. Cục Lãnh sự và cán bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải cứ ngày mai bay thì hôm trước mới thông báo. Người dân ở nước ngoài muốn về nước phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, nhưng ngày mai bay thì hôm trước mới thông báo thì họ không xoay xở kịp”.
Bị cáo đến gặp anh Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế) và được yêu cầu muốn tổ chức chuyến bay phải "bôi trơn" 150 triệu một chuyến. Nếu không đưa tiền sẽ không được phê duyệt chuyến bay giải cứu, ông Dương khai thêm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng khai trước Tòa rằng: “Khi xin cấp phép chuyến bay giải cứu, cán bộ tại Cục Xuất Nhập cảnh và Bộ Y tế có đòi hỏi phải chi tiền”
"Trước đó, doanh nghiệp của bị cáo cũng xin cấp phép song không được nhiều hoặc sát giờ bay mới được cấp phép. Bị cáo thấy nếu không đưa tiền sẽ không được cấp phép nhiều như thế", bà Hằng nói thêm.
Nữ Phó Tổng Giám đốc Blue Sky xác nhận trước Tòa đã hối lộ như cáo buộc của cơ quan tố tụng.
“Bị cáo đã thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra và xác nhận là hoàn toàn đúng sự thật, không thay đổi gì cả", bà Hằng khẳng định.
Tương tự như Dương và Hằng, các bị cáo Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh; Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Minh Ngọc; Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Vitrato; Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty An Bình; Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury; Vũ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt; Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA; Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife;Nguyễn Thị Hiền, lao động tự do; Phạm Bích Hằng, Phó giám đốc Công ty Du lịch quốc tế; Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế; Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty G19; Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty Sao Hà Nội; Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Thuận An; Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty Sang Trọng; Trần Hồng Hà, Giám đốc Công ty Sao Việt; Trần Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Phi Trường; Tào Đức Hiệp, Giám đốc Công ty Công đoàn Đường sắt; bị cáo buộc đưa hối lộ số tiền ít nhất từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng. đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo với các cơ quan chức năng.
Cần sự khoan hồng của Pháp Luật
![]() |
Ông Nguyễn Thắng Cảnh Trưởng văn phòng Luật sư Lý Pháp Đường |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Thắng Cảnh Trưởng văn phòng Luật sư Lý Pháp Đường cho biết, ông đồng ý với các cáo trạng của Viện Kiểm sát NDTC truy tố các bị cáo về tội đưa hối lộ trong vụ án “chuyến bay giải cứu” trên.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm 4, điều 364 BLHS 2015 là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Tuy nhiên, vị Luật sư cũng phân tích: “các bị cáo Hằng, Dương và các bị cáo khác vì thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vì mục đích tốt đẹp là “giải cứu” công dân Việt Nam đang lao động, học tập… bị kẹt tại nước ngoài trong đại dịch Covid 19 hồi hương và cũng để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ lao động trong nước, thực hiện mục tiêu kép “chống dịch và phát triển kinh tế”, nên các bị cáo đã tìm cách liên hệ với những người có thẩm quyền để xin cấp phép các chuyến bay giải cứu; Do bị gây khó dễ trong việc cấp phép nên đã phải đưa tiền hối lộ.
Ông Cảnh nói, các bị cáo đã nhận thức hành vi phạm tội của bản thân, ăn năn hối cải nên khi Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an (CQĐT-BCA) khởi tố vụ án hình sự, đã có đơn tự thú, tích cực hợp tác với CQĐT trong quá trình điều tra mở rộng vụ án…
Đặc biệt như bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Luật sư Cảnh cho hay: bà Hằng đã có đơn tự thú, tích cực hợp tác với CQĐT trong quá trình điều tra mở rộng vụ án… sự việc này đã được Cơ quan điều tra và VKSNDTC ghi nhận.
Tình tiết này đã được thể hiện trong bản kết luận điều tra số 08/KLĐT-ANĐT-P5 ngày 3/4/2023 của Cở quan ANĐT Bộ Công an, ông Cảnh nhấn mạnh.
Việc tự thú của bà Hằng cũng được bị cáo Hoàng Văn Hưng nguyên Trưởng phòng 5 CQĐT-BCA, người được phân công tham gia Ban chuyên án này khai trực tiếp tại Tòa; theo đó: “Sau khi vụ án xảy ra, BCA phải cử mấy chục điều tra viên tham gia chuyên án này. Tuy nhiên, quá trình điều tra gặp muôn vàn khóa khăn để tìm ra chứng cứ, manh mối tội phạm. Giữa lúc căng thẳng thì bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng có đơn tự thú và khai báo thành khẩn, khá rõ ràng; từ đó đã giúp cho ban chuyên án có cơ sở bóc gỡ được vụ án một cách nhanh chóng và chính xác.
Với những tình tiết như trên, vị Luật sư bào chữa viện dẫn khoản 7 điều 364 BLHS:
“Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dung để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dung để hối lộ”
Và, 4 tình tiết giảm nhẹ qui định tại khoản 1, điều 51 BLHS mà VKSTC đã áp dụng, điểm c điều 29 BLHS cùng với điểm a, b, c, d khoản 3 điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số một số qui định của Bộ luật hình sự trong xét xử khi định khung hình phạt, lấy đó làm những căn cứ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miển trách nhiệm hình sự và xem xét trả lại một phần của đã dùng hối lộ trong vụ án này cho các bị cáo.
Có như vậy mới thuyết phục được người đã phạm tội tự thú, chủ động tố giác tội phạm và được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Để công tác phòng chống tham những, tiêu cực do Đảng và Nhà nước đề ra ngày càng hiệu quả, ông Cảnh nói thêm.
Ông Nguyễn Thắng Cảnh bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiêm minh, công bằng nhưng cũng đầy tính nhân văn của HĐXX.