Vừa qua, Tầm Nhìn có đăng tải thông tin về vụ việc phá rừng rất nghiêm trọng, hàng chục cây gỗ thông nhiều năm tuổi tại thôn Tơmơrang xã Đạ Quyn huyện Đức Trọng đã bị đốn hạ không thương tiếc và tang vật là hàng chục khối gỗ thông đã bị cơ quan chức năng tịch thu. Tuy nhiên cho đến nay vụ việc vẫn chưa được khởi tố để điều tra, vì sao?
Trao đổi vấn đề này qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND xã Đạ Quyn, ông cho biết: “Vụ việc đã bàn giao cho lực lượng Kiểm lâm và Công an huyện Đức Trọng, còn vì sao chưa khởi tố để điều tra thì Pv liên hệ với Công an để tìm hiểu thêm”.
Theo tìm hiểu trong thời gian vừa qua, các vụ việc phá rừng tại tỉnh Lâm Đồng đều được cơ quan chức năng khởi tố vụ án để điều tra ngay khi vừa phát hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, vì sao cơ quan chức năng huyện Đức Trọng mà cụ thể là lực lượng Kiểm lâm lại im lặng đến khó hiểu khi Pv liên hệ tìm hiểu sự việc?
![]() |
Hơn nữa tháng kể từ ngày phát hiện và tịch thu hàng chục khối gỗ thông là tang vật vụ phá rừng tại thôn Tơ Mơ Rang xã Đạ Quyn, nhưng cho đến nay cơ quan Kiểm lâm huyện Đức Trọng vẫn giữ im lặng. Vì sao? |
Để có thông tin pháp lý đa chiều cho bạn đọc, nhóm Pv chúng tôi đã có buổi gặp gỡ và trao đổi vấn đề trên với Luật sư Lê Kiên Lương – Đoàn Luật sư Tp HCM.
Theo đó, Luật sư Lương cho biết:
- Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của lực lượng Kiểm lâm được quy định tại Điều 103, 104 Luật Lâm nghiệp 2017 và được hướng dẫn bởi Mục 1 Chương II Nghị định 01/2019/NĐ-CP.
Đối với Kiểm lâm cấp huyện được quy định chi tiết tại Điều 5 Nghị định 01/2019/Nđ-CP:
2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi địa bàn được giao quản lý:
g) Tổ chức đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra vụ án hình sự hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật;
2. Chức năng của Hạt Kiểm lâm (Kiểm lâm cấp huyện) trong tố tụng hình sự:
Theo Điều 35 BLTTHS 2015 quy định về Cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì Kiểm lâm nói chung và Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm cấp huyện nói riêng được tiến hành một số hoạt động điều tra.
Theo quy định tại Điều 164 BLTTHS 2015 thì Hạt trưởng Hạt kiểm lâm có quyền:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
PV: Với việc hàng chục cây thông có đường kính gần 70cm, thân gỗ dài hơn 10m và độ tuổi trên 40 năm tại thôn Tơmơrang, xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bị đốn hạ mà số báo trước chúng tôi đã phản ánh, đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý. Luật sư có nhận xét gì?
![]() |
Luật sư Lê Kiên Lương - Đoàn Luật sư TP HCM |
Luật sư Lê Kiên Lương: Như đã phân tích trên về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm nói chung và Hạt kiểm lâm cấp huyện nói riêng. Với thông tin báo chí phản ánh về số lượng cây thông bị đốn hạ trái phép cho thấy khối lượng khá lớn. Hay nói cách khác là đã có hành vi phá rừng nghiêm trọng, nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm (Điều 143 BLTTHS: Căn cứ khởi tố vụ án hình sự) thì Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng lẽ ra phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình ra Quyết định khởi tố vụ án sau đó chuyển ngay cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Trọng để tiến hành điều tra vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Việc làm này cũng thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về lâm nghiệp.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Hạt Kiểm lâm huyện không thực hiện chức năng, quyền hạn luật định của mình mà chuyển sang cho Cơ quan CSĐT Công an huyện thụ lý, giải quyết theo dạng tin báo, tố giác về tội phạm.
Mặt khác, với chức năng là quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn của mình. Khi để xảy ra các hành vi vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng; hủy hoại rừng…thì trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan quản lý, bảo vệ rừng (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm) cũng cần phải được các cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hành chính và thậm chí là trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả.
Trước đó, Pv chúng tôi đã liên hệ nhiều lần qua điện thoại tới ông Trung – Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu về vụ phá rừng tại xã Đạ Quyn, tuy nhiên ông này đã không bắt máy và không phản hồi tin nhắn.
Vì sao cơ quan chức năng đã kiểm kê hiện trường và tịch thu hàng chục khối gỗ thông là tang vật, đến nay gần nữa tháng kể từ ngày phát hiện vụ việc nhưng vẫn chưa khởi tố vụ án? Tang vật hiện đang cất giữ ở đâu? Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng sẽ nói gì về vấn đề này?
Nhóm Pv chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên./.
https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/nong-them-mot-vu-pha-rung-thong-rat-nghiem-trong-tai-lam-dong-133289.html&secureURL=bb