Vào thứ Hai (04/04), sáu tháng sau khi siết chặt các chỉ dẫn an toàn về chất lượng không khí, WHO đã công bố các chỉ số đo lường không khí từ 6000 thành phố của 117 quốc gia. WHO cho biết 99% dân số thế giới hít thở không khí dưới mức tiêu chuẩn an toàn theo khuyến nghị của tổ chức này.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết đây là con số đáng báo động, cần nhanh chóng cắt giảm sử dụng năng lượng hóa thạch - nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí cũng như các bệnh về hô hấp.
Theo báo cáo của WHO, phía Đông Địa Trung Hải, khu vực Đông Nam Á và châu Phi có chất lượng không khí xấu nhất.
![]() |
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới/ Ảnh: EU Reporter |
“Thật là một điều đáng buồn khi chúng ta có thể sống sót qua khỏi đại dịch, nhưng lại có đến 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí, trong khi việc này hoàn toàn có thể tránh được”, tiến sĩ Maria Neira, Trưởng bộ phận môi trường, biến đổi khí hậu và sức khỏe cho biết.
Dữ liệu của WHO cho biết không khí chứa các hạt vật chất nguy hiểm như PM2.5 và PM10. Đây là lần đầu tiên báo cáo của WHO cung cấp các chỉ số quan trắc trung bình năm nồng độ NO2. NO2 chủ yếu được tạo ra từ khí đốt trong quá trình sử dụng nhiên liệu ở các thành phố. Việc tiếp xúc với NO2 sẽ gây ra các bệnh về hô hấp như hen suyễn, hoặc các triệu chứng như ho, khó thở…
Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trầm trọng hơn ở các quốc gia kém phát triển, nhưng các thành phố lớn đều gặp vấn đề với ô nhiễm NO2. Trong cơ sở dữ liệu thu thập bởi WHO, chỉ 23% dân số được hít thở không khí có nồng độ trung bình hàng năm đáp ứng tiêu chuẩn trong ngưỡng mới cập nhật gần đây.