Có thể nói, mâu thuẫn mẹ chồng- nàng dâu là câu chuyện muôn thuở xảy ra ở mọi thời đại. Trước đây, chuyện mẹ chồng nàng dâu hiếm khi đẩy lên cao trào do con dâu luôn là người phải nhún nhường và chịu đựng.
Trong xã hội hiện nay, chuyện mẹ chồng nàng dâu vẫn là vấn đề không thể tránh khỏi khi bước vào đời sống hôn nhân. Thậm chí những mâu thuẫn này trở thành rào cản giữa các cặp vợ chồng. Thực tế cho thấy, không ít người phải lựa chọn giữa mẹ và vợ do cả hai không thể hòa hợp. Dù không nhiều nhưng đã có những cặp đôi phải ly dị, ly thận do chuyện mẹ chồng – nàng dâu.
Với mẹ chồng thì phụ nữ phải chăm lo, quán xuyến gia đình còn đàn ông thì tạo dựng sự nghiệp, thu nhập. Nhưng với những nàng dâu hiện đại thì xã hội phát triển, phụ nữ và đàn ông bình đẳng với nhau nên công việc cũng cần được chia đều công bằng cho nhau. Đàn ông cũng cần phải tham gia những công việc nhà như bếp núc, dọn dẹp… Chính những điều này gây ra nguồn cơn giữa mẹ chồng và con dâu không hòa hợp bởi với mẹ chồng thì đàn ông không được phép làm mấy việc bếp núc, dọn dẹp vì đấy là việc của phụ nữ. Còn với con dâu thì cũng tạo sự nghiệp, tự chủ về tài chính giống như đàn ông nên không thể chịu nhường nhịn sự bất bình đẳng, cần sự công bằng. Các nàng dâu cũng tự tin và quyết đoán hơn, thay vì chịu đựng, không ít người mạnh dạn bày tỏ quan điểm và mong muốn được sống theo ý muốn của bản thân. Điều này góp phần thay đổi những quan niệm cổ hủ về phụ nữ nhưng cũng có thể gia tăng mâu thuẫn và khiến xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu trở nên sâu sắc hơn nếu không khéo léo trong cách cư xử.
![]() |
Hình ảnh minh họa |
Mặt khác, thời đại xưa thì "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", còn thời bây giờ thì tự do yêu đương nên người mẹ chồng sẽ đa số không thường hài lòng về nàng dâu bởi vì không phải do bản thân của mình chọn lựa. Nên mẹ chồng thường có những thái độ khó chịu ngay từ ban đầu nếu con dâu không đáp ứng được những tiêu chuẩn và sẽ luôn chú ý đến những thiếu sót của con dâu. Thực tế thì kể cả khi con dâu có nhiều điểm mạnh như giỏi giang, tháo vát, sự nghiệp rực rỡ… thì mẹ chồng ban đầu vẫn sẽ luôn tìm ra những điểm chưa hoàn thiện để chỉ trích và phàn nàn.
Một nguyên nhân khác, hết sức phổ biến khiến mẹ chồng và con dâu không hòa hợp là do mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống của gia đình con. Ngay từ khi chuẩn bị kết hôn thì mẹ chồng thường đưa ra quyết định các vấn đề như kế hoạch hôn lễ, quản lý tài chính hay kế hoạch sinh em bé… khiến con dâu đã có sự khó chịu, mệt mỏi.
Vẫn biết rằng đó là sự quan tâm của mẹ chồng nhưng khi mẹ chồng đã can thiệp quá sâu đến cuộc sống của con cái thì khiến con cái thấy ngột ngạt và dần đẩy mâu thuẫn thêm cho mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu.
Người chồng (con trai) trong gia đình có vai trò là cầu nối giúp mẹ chồng và con dâu thấu hiểu nhau hơn, gắn kết hơn nhưng nếu người chồng không cư xử khéo léo thì cũng khiến mẹ chồng và nàng dâu không hòa hợp, mâu thuẫn, tranh cãi.
Trong mọi cuộc tranh cãi giữa mẹ chồng và con dâu thì con trai luôn phải là người đứng ra hòa giải hai bên, đôi khi gay gắt còn buộc phải chọn lựa giữa mẹ và vợ. Thực tế, đa số người đàn ông thiếu trách nhiệm với gia đình, không biết chia sẻ việc nhà với vợ lại hay nghe lời mẹ… khiến cho mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu không hòa hợp./.