Ánh hào quang xuất hiện trên bầu trời - hiện tượng hiếm gặp?

Sự xuất hiện của mặt Trời đi kèm quầng hào quang đang thu hút nhiều sự chú ý của nhiều người nhiều ngày nay.

Mặt trời với một quầng sáng bao quanh bởi nhiều màu sắc tạo nên khung cảnh vô cùng đẹp mắt xuất hiện trên bầu trời vào trưa các ngày 8/5, 20/5, 21/5 kéo dài khoảng chục phút khiến nhiều người dân tò mò. Người dân tại các địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng... có thể quan sát được hiện tượng này. Trên mạng xã hội, các hình ảnh về hào quang cũng đã được chia sẻ, thu hút hàng nghìn lượt thích và bình luận.

Liên quan đến hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định: "Hiện tượng trên là quầng mặt trời (Halo). Nó là hiện tượng mặt trời bị che chắn bởi đám mây. Đây là loại mây cấu tạo bởi các tinh thể đá mỏng thường tồn tại ở độ cao trên 6000m. Chúng ta nhìn thấy trời xanh bị che hơi mờ vì mây mỏng. Ánh sáng mặt trời chiếu qua lớp tinh thể đá bị khúc xạ tạo ra một vầng hào quang mà dân gian hay gọi là quầng. Hiện tượng quầng thường quan sát vào buổi trưa những ngày nắng nóng. Nó không thường xuyên nhưng không hiếm gặp. Không có quy luật nhất định của hiện tượng này với các thiên tai".

Người dân thích thú lưu lại hình ảnh khi quầng mặt trời xuất hiện. Ảnh: VÕ TÙNG

Người dân thích thú lưu lại hình ảnh khi quầng mặt trời xuất hiện. Ảnh: VÕ TÙNG

Các chuyên gia khí tượng cho biết,quầng hào quang là những vòng ánh sáng bao quanh Mặt Trời hoặc Mặt Trăng. Chúng thường xuất hiện khi có một lớp mây ti mỏng xuất hiện trên bầu trời. Sự kết hợp giữa hóa học, vật lý và hình học là nguyên nhân chính tạo ra quầng mặt trời. Bầu khí quyển pha trộn nhiều loại khí, bao gồm khí oxy, nitơ và hơi nước. Ở độ cao đủ lớn, hơi nước cô đặc và sau đó đông cứng thành tinh thể băng. Khi ánh sáng Mặt Trời chiếu xuyên qua tinh thể băng, dạng hình học của tinh thể sẽ làm cho ánh sáng bị khúc xạ, tương tự hiện tượng xảy ra khi ánh sáng chiếu qua một lăng kính.

Hào quang là một hiện tượng tương đối phổ biến. Quầng mặt trời hoặc mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp có mưa. Do quầng hào quang cần tinh thể băng để hình thành, tinh thể băng thường xuất hiện trong những đám mây li ti ở độ cao lớn. Những đám mây này có thể kéo đến nhiều ngày trước khi có khối khí nóng hoặc lạnh mang mưa đến. Tuy nhiên, không phải mọi đám mây li ti đều đi kèm bão. Một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở thượng quyển gia tăng. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra cả với Mặt Trăng.

Hiện tượng này rất dễ quan sát trong điều kiện trời trong và không mây.tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng quan sát được. Do đó, nhiều người cho rằng, đây là hiện tượng hiếm gặp.