Việt Nam dừng công nghệ 2G từ tháng 9

Từ ngày 16/9, các nhà mạng buộc phải tắt sóng 2G và phải có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ 2G Only. Người dùng điện thoại "cục gạch" bị ngừng hoạt động.

Việc tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường mạng.

Thông tin từ Bộ TT&TT cho biết sẽ không cấp lại băng tần 900MHz, 1800MHz cho các nhà mạng đang sử dụng và sẽ hết hạn vào 15/9. Chính vì vậy các nhà mạng sẽ buộc phải tắt sóng 2G theo lộ trình đã được đưa ra. Tuy nhiên số liệu thống kê của các nhà mạng cho thấy, hiện vẫn còn hơn chục triệu thuê bao 2G.

Như vậy, trong vòng hơn 2 tháng nữa nhà mạng sẽ phải chạy đua với thời gian để giúp khách hàng chuyển từ 2G lên 4G và 5G.

Vấn đề này sẽ được thực hiện nghiêm để bắt buộc nhà mạng đưa ra biện pháp, chính sách thúc đẩy thuê bao 2G lên 4G và 5G. Doanh nghiệp di động cần quyết liệt triển khai giải pháp truyền thông, hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi của các thuê bao 2G.

Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng Phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số (Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT) cho hay, đến tháng 9/2024, Bộ TT&TT đặt mục tiêu trên mạng di động sẽ không còn thuê bao 2G only. Tuy nhiên, với thuê bao smartphone 3G, 4G thời kỳ đầu, chưa tích hợp tính năng VoLTE, những mẫu điện thoại buộc phải gọi thoại qua nền tảng 2G, 3G vẫn có thể tiếp tục sử dụng đến tháng 9/2026.

Trước đó, ngày 1/3, các nhà mạng đã thống nhất triển khai phương án ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G only không chứng nhận hợp quy. Các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm chỉnh, việc ngăn chặn các máy 2G only nhập mạng đã góp phần làm giảm số thuê bao 2G only trong các tháng 4, tháng 5.

Cục Viễn thông cho biết, khi thực hiện tắt sóng 2G, các nhà mạng phải báo cáo hiện trạng và đề xuất áp dụng việc thực hiện giải pháp, đặc biệt giải pháp đối với vùng biển, đảo để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt.

Hiện các nhà mạng hiện đang phải khẩn trương hỗ trợ các thuê bao chuyển từ 2G lên 4G và 5G.và phải tắt sóng 2G theo lộ trình đã được đưa ra.

Tùy theo từng dòng máy, bên cạnh khả năng nghe gọi, nhắn tin cơ bản, những thiết bị này có thể hỗ trợ truy cập Internet, thậm chí có sẵn ứng dụng Facebook, Messenger. Những mẫu máy này có giá không cao, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng, cách sử dụng tương tự các dòng máy “cục gạch” trước, phù hợp với những người ngại chuyển đổi sang điện thoại thông minh, đặc biệt là người già.

Để thúc đẩy người dân chuyển đổi từ 2G sang 4G, đại diện Cục Viễn thông cho biết, Quỹ Viễn thông công ích dành kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa với khoảng 400.000 điện thoại. Ngoài ra, UBND một số tỉnh, thành phố cũng có kế hoạch hỗ trợ cho các hộ khó khăn nhưng không thuộc diện hỗ trợ của Quỹ Viễn thông công ích.

Hiện các nhà mạng đã đưa ra phương án thúc đẩy chuyển đổi như trợ giá cho điện thoại "cục gạch" hoặc smartphone 4G giá rẻ, tăng cường phủ sóng 4G và tắt hàng nghìn trạm 2G trên cả nước.

Như vậy, từ tháng 9/2024, Việt Nam dừng công nghệ 2G. Những người quen dùng điện thoại “cục gạch” vẫn có cơ hội sử dụng khi chuyển đổi sang máy được hỗ trợ 4G.

Lý giải nguyên nhân tắt sóng 2G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam sẽ cấp phép 5G. Với việc có thêm mạng 5G, trên mạng lưới không thể cùng một lúc tồn tại đồng thời cả công nghệ 2G, 3G, 4G và 5G, rất tốn kém trong khai thác, vận hành. Việc dừng công nghệ 2G sẽ giúp giải phóng băng tần để quy hoạch cho 5G và 6G trong tương lai cũng như thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường mạng.